Rất nhiều bà mẹ thường được người thân trong gia đình hay bạn bè, người quen cảnh báo rằng, ôm con quá nhiều khi bé mới sinh sẽ làm hư trẻ, vì con “bện hơi” mẹ sẽ quấy khóc và khó chăm hơn. Nhưng mới đây, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng một đứa trẻ sơ sinh cần được mẹ ôm thật nhiều. Sự tiếp xúc tích cực giữa mẹ và con là vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển não bộ của trẻ trong giai đoạn đầu.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ở Bệnh viện Nhi đồng Nationwide tại Ohio với 125 em bé sơ sinh thiếu tháng và những bé sinh đủ tháng. Kết quả cho thấy rằng, những trẻ sinh sớm có phản ứng với các kích thích chậm hơn so với trẻ đủ tháng. Bên cạnh đó, những trẻ được can thiệp bằng các biện pháp y tế cũng có phản ứng kém hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những bé sinh non nhận được nhiều tiếp xúc nhẹ nhàng từ cha mẹ hoặc người chăm sóc bằng các hành động ôm ấp sẽ tăng khả năng phản ứng cao hơn nhiều so với trẻ sinh non nhưng ít nhận được sự tiếp xúc. Nhà nghiên cứu hàng đầu Nathalie Maitre đã chứng minh rằng, việc tiếp xúc thường xuyên giữa bố mẹ với trẻ sơ sinh sẽ hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của não bộ.
Theo nhà nghiên cứu này: “Trẻ sơ sinh khi mới ra đời cần nhận được sự tiếp xúc tích cực với mẹ, đặc biệt là phương pháp da tiếp da sau sinh để giúp não bộ của trẻ cảm ứng được theo cách tương tự như thời gian ở bên trong tử cung của mẹ. Điều này rất có lợi cho sự phát triển não bộ”.
Hiện tại Tiến sĩ Nathalie Maitre cùng các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các phương pháp mới giúp những trẻ sơ sinh phải nằm trong lồng kính cũng có thể nhận được những tiếp xúc tích cực.
Trong những tháng đầu đời, trẻ sơ sinh phải rời xa môi trường ấm áp và an toàn trong bụng mẹ nên bé thường xuyên cảm thấy bất an. Đó là lý do bé hay giật mình và quấy khóc. Những cái ôm nhẹ nhàng của mẹ cũng tiếng vỗ về khe khẽ sẽ giúp bé cảm thấy yên tâm hơn. Nếu mẹ ít khi ôm bé, sẽ khiến con không cảm nhận được tình yêu thương của mẹ và bé thấy khó chịu, không thoải mái khi được mẹ ôm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyên mẹ nên giảm dần thời gian bế trẻ ở những tháng sau này. Bởi nếu mẹ ôm con quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc trẻ bị phụ thuộc vào mẹ và quấy khóc khi không nhìn thấy mẹ.
Video: Khi 'bố nhà người ta' chăm con
Lời khuyên cho mẹ, những giờ đầu tiên khi bé vừa ra đời là khoảng thời gian vàng để mẹ thực hiện da tiếp da, tạo nên tiếp xúc tích cực cho con. Điều này sẽ kích thích não bộ của trẻ rất hiệu quả.
Trong tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh vẫn chưa làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ, vì thế mẹ nên thường xuyên bế bé, vỗ về và trò chuyện giúp con cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn. Từ tháng thứ 2, mẹ giảm dần thời gian bế để bé làm quen, tránh dừng bế đột ngột, đồng thời tăng các tiếp xúc khác như trò chuyện cùng bé.
Mẹ cũng lưu ý bế bé đúng cách bởi hệ xương của con lúc này còn rất yếu ớt. Khi bế cần dùng tay giữ chắc phần đầu và mông của con, để cơ thể bé cách mặt mẹ từ 30 – 45 cm. Trong khi bé, hãy nhìn vào mắt và trò chuyện với con. Nếu bé quấy khóc, đừng vội bế bé ngay lập tức sẽ khiến con giật mình và khóc to hơn. Hãy dùng tay vỗ về nhẹ nhàng để bé bình tĩnh hơn, sau đó mới bế bé lên.
Bình luận