Ở con hẻm nhỏ trên đường Mã Lò (khu phố 1, Bình Trị Đông A, Bình Tân, TP.HCM), hỏi ra ai cũng biết đến bà Lê Thị Khéo, thường gọi là bà Sáu (sinh năm 1938) bán vé số nuôi con trai mắc bệnh tâm thần.
Video: Bà Sáu trong những ngày cùng cực đi bán từng tờ vé số nuôi con tâm thần
“Người ta nói con tôi bị khùng”
Đường vào nhà bà Sáu khá quanh co, nằm tít sâu trong hẻm. Bên ngoài căn nhà nhỏ là mảng tường bong tróc, ố đen và bốc mùi ẩm mốc. Thấy có người hỏi thăm, bà vui vẻ dẫn vào nhà rồi kể về cậu con trai bằng tất cả sự yêu thương. Trong đôi mắt của người mẹ 85 tuổi, anh Bùi Ngọc Hưng luôn là đứa con cần được chở che, bảo bọc.
“Người ta nói con tôi bị khùng, gần 50 tuổi mà không biết lo cho bản thân. Mỗi ngày tôi đi bán vé số kiếm tiền nuôi con. Ai cho gì ăn nấy, có hôm hết gạo hàng xóm cho một ít, có khi hết gas không còn gì để nhóm bếp, hàng xóm cũng hùn tiền mua cho tôi”, bà Sáu kể.
Có người chậc lưỡi nói số bà khổ, trước đi làm nuôi cả chồng lẫn con, nay chồng mất lại tiếp tục bươn chải kiếm từng đồng mặc cho tuổi cao sức yếu. Có người lại thương cho con bà - anh Bùi Ngọc Hưng vì 47 tuổi mà vẫn ngờ nghệch như đứa trẻ.
Từ 5h sáng bà đã dậy nấu cơm để sẵn ở nhà, khi nào đói thì anh Hưng tự xúc lấy mà ăn. Bữa cơm của 2 mẹ con hầu như chỉ có nước tương với ít rau và cá kho. Hôm nào dành dụm được chút ít thì bà mua thịt cho con ăn, còn phần mình thì nhịn. Trước đây, bà Sáu bán tầm 150 tờ vé số, kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày, nhưng dạo này hay đau nhức, không còn đạp xe đi xa được, bà chỉ bán có 50 tờ.
Hôm nay, bà Sáu đi bán trễ hơn mọi ngày. Phần vì bà lo anh Hưng đói bụng mà không chịu ăn cơm. Phần vì bà sợ nhà sẽ tối om làm con hoảng sợ vì mẹ già không có nổi 300.000 đồng đóng tiền điện nước. Bà bảo ráng đi bán ở các khu Hương Lộ 2, Tên Lửa, Mã Lò hết chừng này vé số, nếu được 50.000 đồng mang về thì hai mẹ con sẽ không phải chịu cảnh nhịn đói qua đêm.
Thương anh Hưng ngờ nghệch, mẹ già làm gì cũng nghĩ đến con. Bà bảo rằng từng đưa anh Hưng đi điều trị ở bệnh viện tâm thần nhưng giờ đón về chăm sóc. Khi bà đi bán vé số, anh Hưng giữ nhà một mình. Thấy ai lạ đến chơi, anh Hưng cũng cười tủm tỉm. Có những ngày tỉnh táo, anh Hưng giúp mẹ lau nhà, rửa bát. Còn khi lên cơn mê, anh Hưng bỏ nhà đi lang thang đến tận mấy cây số rồi lại chạy về.
“Cũng may là con không chửi bới đánh mẹ già khi lên cơn. Con không biết gì cả, hàng xóm thấy tội cũng thường cho tiền mua bánh ăn. Con thèm ăn hủ tíu mà mua thì đến tận 40.000 đồng, tôi nói con ráng nhịn, trưa nay mẹ đi bán về sẽ mua cá kho với cà, lấy nước chan cơm cho con ăn. Có hôm con đói quá ăn hết phần cơm của mẹ, tôi ráng nhịn để qua hôm sau ăn luôn đỡ tốn tiền”, bà Sáu rưng rưng kể.
“Nếu tôi mất thì không biết ai sẽ lo cho con”
Bà Sáu sinh ra ở Quãng Ngãi, trong gia đình nghèo. Các anh của bà đều mất trong bom đạn đau thương. Lớn lên, bà Sáu lấy chồng và sinh ra 4 người con, trong đó 1 người đã mất, 1 người đi tù, những người còn lại thì đánh vật với cái nghèo.
Cách đây mấy năm, chồng bà bị trượt ngã trong nhà tắm, bà tưởng rằng ông chỉ mệt thôi nào ngờ qua hôm sau ông bỏ bà mà đi. Con gái của bà, chị Bùi Thị Mỹ Ngọc (sinh năm 1969) vì cùng quẫn trong lúc ghen tuông mà châm lửa gây hỏa hoạn khiến chồng chết, con gái bị bỏng nặng. Chị Mỹ Ngọc sau đó lãnh án 18 năm tù, để lại cho mẹ già nỗi đau đớn không thể nào xóa được.
“Cứ lâu lâu gom được chút tiền là tôi lại đến trại giam thăm con gái. Ngày con bị tuyên xử 18 năm tù, tôi không còn nước mắt để khóc. Tôi có mấy đứa con thì đứa nào cũng khổ, đứa mất sớm, đứa đi tù, đứa ở nhà trọ nợ nần liên miên.
Có người hỏi tại sao đông con mà lại đi bán vé số kiếm từng đồng nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, mình còn sức thì cứ cố gắng mà làm. Các con nghèo quá nên không ai nuôi được em út mắc bệnh tâm thần. Tôi chỉ lo tới cảnh vãn chiều, nếu tôi chết thì không có người lo cơm nước cho thằng Hưng nữa. Nếu tôi chết, con chắc chết theo tôi”.
Nói rồi bà Sáu khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ, nhăn nheo của người mẹ nghèo. Anh Hưng ngồi sát bên chỉ biết lặng im. Anh Hưng không hiểu và cũng không biết vì sao mẹ buồn, anh vẫn cứ cười ngờ nghệch rồi đưa mắt nhìn quanh căn nhà tồi tàn, xuống cấp và sặc mùi ẩm mốc.
“Có hôm trong túi không còn đồng nào, sáng ra tôi mượn hàng xóm một ít để đi lãnh vé số về bán. Đêm tôi không ngủ, cứ sợ con mình đói”, bà Sáu nói. Trong nhà hiện tại, thứ đáng giá nhất là chiếc xe đạp mòn nát dùng để đi bán vé số và cái TV cũ mà anh Hưng xem như là bạn của mình. Túng thiếu, cùng cực cỡ nào bà cũng không bán cái TV.
Trong thâm tâm người mẹ già, bà vẫn mong có ngày anh Hưng tỉnh táo, không phải vì muốn anh Hưng làm việc phụ giúp mình mà bà chỉ mong con được như bao người, lấy vợ sinh con để không chịu cảnh cô độc khi bà mất đi. Nhưng mong ước này có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực…
Chị Đặng Thị Hồ Điệp, tổ trưởng ở khu phố 1, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết, gia đình bà Sáu là hộ khó khăn trong khu phố. Con trai của bà mắc bệnh tâm thần mấy chục năm qua không chữa trị được. Bà Sáu đã 85 tuổi, thường xuyên mắc các bệnh về xương khớp, tim mạch, không thể làm việc nhiều nhưng vẫn cố gắng đi bán vé số kiếm tiền nuôi con. Hàng xóm thấy bà Sáu sống chật vật thì rất hay hỏi han, giúp đỡ, người cho gạo, người cho mắm muối nhưng chỉ đủ để mẹ con bà rau cháo qua ngày.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận