(VTC News)- Ngày ngày người mẹ nghèo phải nhặt từng đồng ở chợ rau đêm trong khi con gái vẫn ăn chơi xa xỉ như những cô chiêu nhà giàu.
Thiếu sự quan tâm của gia đình, không chỉ có những nam sinh rơi vào con đường sa ngã mà cũng có không ít nữ sinh cũng đã “đánh rơi” chính bản thân mình.
Mẹ bán rau, con vào vũ trường
Cách đây 5 năm, một trường hợp nữ sinh trong lớp khiến cô Hạnh Giang (giáo viên chủ nhiệm trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) nhớ mãi.
Ngày ấy, cô nữ sinh Ngọc Trinh (tên nhân vật đã được thay đổi) có nhan sắc vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa. Cô gái này may mắn được sở hữu một gương mặt xinh xắn, nước da trắng và chiều cao không thua kém gì những người mẫu. Dĩ nhiên, Ngọc Trinh cũng được rất nhiều các chàng trai trong lớp, ngoài trường đặc biệt chú ý.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều nữ sinh đã bắt đầu sa vào những tệ nạn xã hội (Ảnh minh họa) |
Không những thế, qua tìm hiểu từ một số người bạn trong lớp, cô Giang được biết nữ sinh này còn có “biệt tài” uống rượu như những nam sinh cùng trang lứa.
Sau mỗi giờ tan học, trước cổng trường luôn có không ít chàng trai giàu có, đi những chiếc xe đắt tiền sẵn sàng chở nữ sinh đến những tụ điểm ăn chơi ở chốn Hà Thành.
Mẹ phải vất vả bươn chải chợ búa đêm hôm nhưng con gái vẫn ăn chơi như quý tộc |
Mẹ của Ngọc Trinh ngày nào cũng phải thức đêm để buôn rau kiếm từng đồng nuôi cô ăn học. Bố của nữ sinh này cũng chỉ là công nhân bình thường với đồng lương không đủ sống. Mọi sinh hoạt trong gia đình trông cậy hết vào việc chạy chợ của mẹ.
|
Lo lắng trước tình hình học tập sa sút của Ngọc Trinh, trao đổi với gia đình, cô Giang chỉ nhận những lời gửi gắm: “Thú thực với cô, gia đình cũng vất vả kiếm sống. Trăm sự nhờ cô giúp đỡ cho cháu”.
Nghiện ma túy, không còn đường quay trở về
Do bị cuốn vào công cuộc mưu sinh vất vả nên gia đình cũng ít có điều kiện quan tâm đến tình hình học tập của cô con gái xinh đẹp. Tuy nhiên, khi sự việc đã ngoài tầm kiểm soát khiến cho con đường trở lại của nữ sinh này càng trở nên khó khăn.
Thậm chí không lâu sau đó chính chị Lan, mẹ của Ngọc Trinh, đã phải tâm sự thật với cô giáo: “Có lần đi theo em thấy nó bước vào sòng bạc. Em còn đoán có thể cháu đã bị nghiện hút”
Khi không còn có thể đưa con trở lại như xưa, tâm lý người mẹ tỏ ra chán nản và tuyệt vọng: “Nếu bây giờ được lựa chọn, em mong cháu nó có chửa và không bị nghiện còn hơn là cháu đi theo con đường nghiện ngập ma túy”.
Đến khi Ngọc Trinh mắc vào các tệ nạn xã hội, chị Lan mới cảm thấy ngậm ngùi chua xót vì đã thiếu quan tâm sâu sát đến cuộc sống của con.
Thiếu sự quan tâm của gia đình, nhiều nữ sinh đã sa ngã |
Dần dần, sự thay đổi nhanh đến ngỡ ngàng của cô con gái ngoan ngoãn ngày nào khiến chị Lan càng cảm thấy ân hận.
Theo phân tích tâm lý của cô Giang, những nữ sinh có một chút nhan sắc khi được nhiều thanh niên giàu có để ý thường có tâm lý tự đề cao giá trị của bản thân. Ngọc Trinh cũng có tư tưởng đề cao bản thân mình và sự kiêu kỳ là một thể hiện tất yếu.
Cô gái sẽ không chịu lắng nghe những sự chỉ dạy của các thầy cô giáo, bởi vì đằng sau là hàng chục chàng trai lúc nào cũng sẵn sàng buông lời tán tụng, khen ngợi.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu có sự quan tâm đúng mức từ chính những người cha, người mẹ thì nỗ lực giáo dục của nhà trường mới có thể phát huy được tác dụng. Bằng chính những trải nghiệm và vốn sống của cha mẹ mới có thể thuyết phục và làm thay đổi cuộc sống của những nữ sinh “mới chớm” sa ngã.
Cô Giang luôn khẳng định, gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của học sinh. “Nếu môi trường gia đình tốt, khi con cái có lỡ bị sa ngã cũng rất dễ quay trở lại. Tuy nhiên đối với những gia đình không có môi trường tốt,điều này gần như là vô vọng” - Cô Giang chia sẻ.
Bạn đọc chia sẻ những câu chuyện thực tế về giáo dục trong gia đình xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
Phạm Thịnh(ghi)
Bình luận