Liên quan đến việc MC Minh Tiệp bị tố bạo hành em vợ suốt 5 năm, tối 27/5, T.D. (em vợ MC Minh Tiệp) lên tiếng giải thích mọi tin đồn liên quan tới gia đình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc T.D. tố anh rể từng nhiều lần sử dụng khúc gỗ đánh vào chân, đùi cô trong suốt 5 năm qua chưa được làm rõ.
Ngày 28/5, trả lời VTC News về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ những lời tố cáo của T.D.
Mọi hành vi sử dụng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm.
Nếu cơ quan pháp luật có căn cứ xác định MC Minh Tiệp từng nhiều lần sử dụng khúc gỗ đánh T.D. trong suốt 5 năm tức là MC này đã xâm phạm đến sức khỏe của T.D. và T.D được pháp luật bảo vệ.
Video: Bị tố bạo hành em vợ, MC Minh Tiệp nghi ngờ có 'tổ chức đứng sau'
Khi đó, hành vi của MC Minh Tiệp có dấu hiệu phạm 2 tội: "Hành hạ người khác" và "Cố ý gây thương tích" được quy định tại Điều 140 và Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Để xử lý hành vi phạm tội, cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả đã gây ra cho T.D.
Nếu việc đối xử tàn ác, bạo hành T.D. trong suốt thời gian dài chưa đến mức nghiêm trọng, MC Minh Tiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp, T.D. bị bạo hành gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe từ 11% trở lên sẽ MC này sẽ bị xử lý tương ứng về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết định khung “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi và dùng hung khí nguy hiểm” .
Tuy nhiên, để xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp cho người bị hại cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Bên cạnh đó, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
"Xét về quan hệ nhân thân, giữa T.D. và MC Minh Tiệp không có quan hệ dòng máu trực hệ nhưng có quan hệ lệ thuộc sống chung cùng gia đình. T.D. là em vợ của MC Minh Tiệp, do điều kiện học tập nên ở cùng anh chị.
Nếu T.D. có những ứng xử chưa đúng mực trong sinh hoạt khi ở chung nhà anh chị thì cần khuyên bảo hoặc thông báo cho bố mẹ cháu. Hoặc nếu cần thiết sẽ đưa cháu D. về cho bố mẹ chăm lo, dạy bảo" - luật sư Thơm chia sẻ.
Luật sư Thơm cho biết thêm, Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Điều 1 Luật trẻ em 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”
Luật trẻ em nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực trẻ em và không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Bạo lực trẻ em được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Bình luận