Kylian Mbappe từng được gọi là "món quà Thượng đế ban tặng cho bóng đá Pháp". Báo chí Pháp cho rằng năm 1998 là mốc son chói lọi nhất bởi hai sự kiện: Pháp vô địch World Cup, và Mbappe chào đời.
Ở tuổi 20, Zinedine Zidane, Michel Platini hay Thierry Henry chưa từng được "biệt đãi" bằng những lời khen như Mbappe nhận được. Nhưng đỉnh cao luôn có hai mặt. Mbappe vẫn thừa đẳng cấp, nhưng cái tôi quá lớn khiến ngôi sao tuyển Pháp sụp đổ trong kỳ vọng ở EURO 2020.
Đêm đáng quên của Mbappe
Mbappe thần tượng và học hỏi Cristiano Ronaldo, từ phong cách thi đấu, cá tính, tham vọng đến khát khao hoàn thiện bản thân. Khoảnh khắc tiền đạo người Pháp xuất hiện ở lượt sút luân lưu thứ 5, anh càng giống Ronaldo hơn cả.
Lượt sút luân lưu thứ 5 luôn quan trọng nhất, có vai trò "khóa" lại loạt đá đầu tiên. Cầu thủ sút thứ 5 chịu áp lực khủng khiếp. Thực hiện thành công, anh là người hùng. Sút hỏng, anh là tội đồ. Ronaldo luôn thích đi trên triền dốc ngả nghiêng giữa đỉnh cao và vực sâu. Mbappe cũng vậy.
Siêu sao tuyển Pháp muốn thực hiện cú đá chốt hạ, bởi nếu làm rung lưới Yan Sommer, anh có thể bỏ lại đằng sau trận đấu thất vọng trước đó. Mbappe quyết định "chơi dao", cuối cùng đứt tay.
Rất khó trách cứ cú sút phạt đền của Mbappe. Đó là cú đá với lực tốt, độ cao lý tưởng, nhưng Sommer đã chơi xuất sắc hơn. Pha đổ người đúng hướng cho thấy thủ môn Thụy Sĩ đã nghiên cứu kỹ thói quen sút phạt đền của đối thủ.
Tình huống cứu thua của Sommer cũng cho thấy khác biệt rất lớn giữa Pháp và Thụy Sĩ. Trước trận đấu, các thủ môn Thụy Sĩ đã tập luyện với kính râm ở trên mắt.
HLV Vladimir Petkovic mang tới phương pháp tập luyện kỳ lạ bởi ở trận đấu trước đó, thủ môn Martin Dubravka của Slovakia đã đấm bóng về lưới nhà do bị chói nắng, khiến đội nhà thua tan nát 0-5 trước Tây Ban Nha.
Chưa bàn đến hiệu quả của phương pháp, chiếc kính râm của Sommer đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học của Thụy Sĩ trước trận đấu với Pháp. Đội bóng của Petkovic rất nghiêm túc với trận đấu.
Ngược lại, báo giới Pháp "tố" một số tuyển thủ Pháp đã thức đêm chơi điện tử trước cuộc so tài. "Les Bleus" đã nghĩ tới tứ kết quá sớm. Sự khinh thường Thụy Sĩ phải đổi bằng cái giá rất đắt. Một đội tuyển chỉ thua 1/11 trận gần nhất tại World Cup và EURO trong 90 phút như Thụy Sĩ, đó chắc chắn không phải đội yếu.
Trở lại với trận đấu của Mbappe. Siêu sao mang áo số 10 đã chơi năng nổ. Anh di chuyển khắp mặt sân, dùng tốc độ làm rối loạn hàng thủ Thụy Sĩ để mở khoảng trống cho Antoine Griezmann, Karim Benzema.
Trong hiệp 1, vị trí của Mbappe là mũi tấn công chủ đạo của Pháp, trong bối cảnh "Les Bleus" hoang mang vì hệ thống chiến thuật mới của Didier Deschamps. Sang hiệp 2, Mbappe kiến tạo bàn gỡ hòa cho Benzema, chuyền như đặt cho Griezmann thoát xuống tạt bóng để Benzema ghi bàn thứ hai.
Dù vậy, Mbappe lại bỏ lỡ tới 6 cơ hội ăn bàn, trong đó có 3 tình huống đối mặt thủ môn. Nếu Pháp hạ Thụy Sĩ, những pha bỏ lỡ này sẽ sớm bị lãng quên, nhưng khi đội bóng của HLV Deschamps phải bước vào hiệp phụ, người ta mới thấy sự phung phí của Mbappe "báo hại" người Pháp thế nào.
Khi Mbappe bỏ lỡ cơ hội ở các trận trước, giới chuyên môn nói rằng duyên chưa tới. Nhưng trắng tay tới 4 trận liên tiếp, không thể dùng lý lẽ nào để bênh vực, bào chữa cho ngôi sao của Paris Saint-Germain.
Bệnh ngôi sao
Mbappe không thua bởi trình độ, mà là thái độ. Việc quá lâu không ghi bàn biến Mbappe trở thành kẻ hợm hĩnh trên hàng công. Đơn cử, ở pha thoát xuống cuối hiệp phụ thứ hai, góc sút của Mbappe đã rất hẹp, nhưng thay vì ngoặt bóng rồi nhả lại cho đồng đội bên trong, số 10 của Pháp quyết định dứt điểm. Bóng đi thiếu chính xác.
Có ít nhất hai tình huống mà cơ hội dứt điểm thành bàn cực thấp, song Mbappe vẫn tự mình tìm cơ hội. Anh hời hợt, ích kỷ, không có nhu cầu phối hợp với Olivier Giroud đang chờ đợi trong vòng cấm.
Mọi siêu sao đều cần sự ích kỷ, kể cả Ronaldo - thần tượng của Mbappe. Song, hãy nhìn cách Ronaldo di chuyển rộng, miệt mài kéo bóng để tạo cơ hội cho đồng đội trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Bỉ.
Nỗ lực của Ronaldo ở tuổi 36 và sự ích kỷ của Mbappe ở tuổi 21, đó là khác biệt giữa "đàn ông" và "cậu nhóc". Mbappe chỉ biết đến cảm xúc và thỏa mãn ghi bàn của riêng anh.
Trước giải đấu, chính Mbappe cũng là người gây ra sóng gió hậu trường. Sau trận thắng 3-0 của Pháp trước Bulgaria, Giroud bóng gió cho rằng anh di chuyển nhưng không được chuyền bóng. Giroud không chỉ đích danh ai, nhưng Mbappe nổi giận, đòi tổ chức họp báo làm rõ vấn đề.
Giroud nỗ lực hòa giải với đàn em. Ghi bàn trong trận đá tập, anh tiến tới ôm Mbappe, song nhận lại sự hờ hững. Một bức ảnh chụp ảnh phòng thay đồ tuyển Pháp cho thấy Giroud chủ động bắt tay, xoa đầu Mbappe, nhưng cầu thủ sinh năm 1998 chỉ thờ ơ và khó chịu.
Mbappe khó chịu cách chơi của đàn anh, ví Giroud như Inzaghi và cảm thấy "phát mệt" vì đồng đội chỉ đứng trong vòng cấm. Mbappe sau đó tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không làm to chuyện". Một phát ngôn kiểu "cửa trên", dù xét về thâm niên, vai vế, Mbappe không thể so với Giroud - chân sút chuẩn bị phá kỷ lục ghi bàn của Henry.
Một cầu thủ đứng trên tập thể, dù tài năng đến mấy, cũng dễ trở thành quả bom phát nổ thổi bay cả đội bóng. Pháp lên đỉnh cao nhờ Mbappe, và cũng bước thẳng xuống vực bởi những cầu thủ kiểu Mbappe.
Bình luận