• Zalo

Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách của nhóm sinh viên Việt vang danh trên đất Mỹ

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Hai, 15/01/2018 20:23:00 +07:00Google News

Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách” (hay còn gọi là FingerReader) dành cho người khiếm thị của nhóm 5 sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng vừa giành giải Nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017 do trường Đại học bang Arizona (ASU) Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 10/01.

Chiếc máy "độc nhất vô nhị"

Vừa trở sau chuyến “trình diễn” thành công trên đất Mỹ, đội Curiosito gồm 5 thành viên: Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Khánh Trình, Nguyễn Thiên Phước, Tạ Sinh Phúc và Bùi Lê Đạt lớp 14TDHCLC (Khoa Điện, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) lại vùi đầu vào nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới.

1

Đội Curiosito thuyết trình về sản phẩm "máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách". Ảnh: Đội Curiosito cung cấp 

Vượt qua nhiều đội thi đến từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới, thiết bị “FingerReader” của đội Curiosito được ban giám khảo đánh giá cao bởi cách áp dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn.

Bạn Nguyễn Thái Hoàng - đại diện Đội Curiosito chia sẻ, chiếc máy được cấu tạo khá đơn giản và nhỏ gọn (kích thước tổng cộng chỉ bằng bao thuốc lá).

“Thiết bị bao gồm một camera nhỏ gắn trên một hộp 3D thiết kế đặc biệt để tay người có thể đeo được. Camera được nối với một máy tính nhúng Raspberry Pi có chức năng nhận và truyền dữ liệu cần tính toán lên Cloud. Khi người đọc chỉ tay vào ký tự của sách và chụp ảnh lại bằng tay mình, hệ thống sẽ đưa lên Cloud xử lý và sẽ nhận về dữ liệu là audio để xuất ra loa hoặc tai nghe. Hiểu một cách đơn giản là máy sẽ làm nhiệm vụ chuyển từ ký tự của sách sang giọng đọc để người khiếm thị có thể nghe được”, Hoàng giải thích.

Với sản phẩm “độc nhất vô nhị” này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách trên thị trường mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ.

Nổ lực nghiên cứu không mệt mỏi

Để có thể đưa sản phẩm FingerReader vang danh trên đất Mỹ, nhóm của Hoàng, Trình đã phải mày mò, vật lộn với những dữ liệu, thông số phức tạp hàng tháng liền.

maydockhiemthi

 Sản phẩm FingerReader của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Ảnh: đội Curiosito cung cấp

Có những lúc tưởng chừng như phải dừng lại ở mức ý tưởng, còn không thể cho ra thông số để chế tạo máy, nhưng với quyết tâm, niềm đam mê, các bạn đã cho ra đời “đứa con” FingerReader độc đáo và ý nghĩa.

"Từ lúc lên ý tưởng đến nay đã khi bắt tay vào chế tạo máy chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng. Trong quá trình làm thì nhóm em gặp rất nhiều khó khăn về xử lý phần mềm vì hầu hết nhóm em đều là dân không chuyên về lập trình.

Nhưng sau một thời gian tìm tòi và với sự trợ giúp tận tình của thầy Ngô Đình Thanh và các bạn trong câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học Emaker của khoa Điện thì bọn em cũng xử lý được các vấn đề liên quan đến phần mềm” Hoàng nhớ lại.

Dù đạt giải Nhất trong một cuộc thi về công nghệ nhưng Nguyễn Thiên Phước khiêm tốn bày tỏ: “Qua cuộc thi lần này, tụi em cũng rút ra được nhiều bài học. Bản thân nhóm em còn khá nhiều thiếu sót. Nhưng thông qua các áp lực từ phía ban giám khảo và trải nghiệm thực tế đã góp phần giúp em tìm ra và bổ sung các thiếu sót của bản thân. Chính vì vậy, nhóm em luôn coi áp lực chính là động lực cho bản thân để chinh phục nó”.

Những ngày thi đấu trên đất Mỹ, nhóm của Phước đã được các chuyên gia đến từ Amazon Web Services và Trường Đại Học Arizona tạo điều kiện về không gian làm việc, các trang thiết bị tại MakerSpace… để hoàn thành bài thi.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn