Ngày 19/8/2023, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã diễn ra tại căn cứ không quân Soltsy ở Novgorod Oblast, Nga, nằm cách biên giới với Ukraine hơn 650 km. Một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã bị phá hủy và một chiếc khác được cho là bị hư hại do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quadcopter.
Quadcopter còn được gọi là máy bay không người lái bốn cánh, là phương tiện bay không người lái chủ yếu được sử dụng để chụp ảnh trên không, giám sát và thực hiện các ứng dụng dân sự khác.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong cuộc xung đột tại Ukraine, việc sử dụng loại UAV này đã được mở rộng cho các mục đích quân sự và chiến thuật. Do kích thước nhỏ và khả năng cơ động nhanh nhẹn, quadcopter thường được binh sĩ Nga và Ukraine sử dụng, họ trang bị thêm camera để trinh sát hoặc thậm chí là chất nổ nhỏ để tấn công mục tiêu.
Việc sử dụng máy bay không người lái ở Ukraine rất phổ biến và chúng đã chứng minh được tính hiệu quả của mình trong cuộc xung đột. Chính vì vậy, thách thức lớn trong cuộc xung đột hiện nay là tìm ra các biện pháp để chống lại máy bay không người lái. Các chuyên gia đang cố gắng tìm giải pháp để hạn chế khả năng của UAV và nhiều giải pháp tình thế đã được đưa ra như việc trang bị lồng hoặc các lưới bảo vệ cho phương tiện chiến đấu trên chiến trường.
Tu-22M3 được NATO gọi là Backfire C, đây là máy bay ném bom chiến lược siêu âm tầm xa, được phát triển bởi Cục thiết kế Tupolev trong thời kỳ Xô Viết, nó được giới thiệu vào những năm 1970 như một phiên bản nâng cao của thiết kế Tu-22 trước đó. Kể từ khi ra đời, Tu-22M3 đã đóng vai trò quan trọng trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga.
Máy bay có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2.05. Nó có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm bom hạt nhân và bom thông thường, cũng như tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất. Với bán kính chiến đấu khoảng 2.400 km, Tu-22M3 có thể nhắm mục tiêu vào các vị trí nằm sâu trong lãnh thổ của kẻ thù.
Tu-22M được sản xuất từ năm 1969 đến 1993, với hơn 500 chiếc được chế tạo. Ngày nay, lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Nga có khoảng 60 máy bay ném bom Tu-22M3 tại ba căn cứ hoạt động Belaya, Olenyegorsk và Shaykovka - cùng với các máy bay bổ sung tại căn cứ huấn luyện Ryazan.
Do đó, việc phá hủy những chiếc Tu-22M3 là rất quan trọng đối với Ukraine, nhằm ngăn cản sự thống trị trên không của Nga, đặc biệt là giảm thiểu những đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa vào các cơ sở quan trọng của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng “máy bay ném bom Tu-22M3 đã bị một UAV quadcopter của Ukraine làm hư hại”. Từ những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay dường như đã bị phá hủy. Cũng có báo cáo về việc một chiếc khác bị hư hỏng, nhưng số phận của nó vẫn chưa được xác định.
Theo một số nguồn tin quân sự, cuộc tấn công này xuất phát từ trong lãnh thổ Nga, không phải từ Ukraine. Điều này chỉ ra rằng một mạng lưới những kẻ phá hoại do Ukraine hỗ trợ đã được thiết lập trên đất Nga.
Việc một chiếc Tu-22M3 bị phá hủy và một chiếc khác bị hư hại tại căn cứ không quân Soltsy là một sự kiện chấn động, đặc biệt là cách biên giới Ukraine tới 650 km. Sự kiện này sẽ khiến giới chức quốc phòng Nga tìm biện pháp thắt chặt an ninh hơn để bảo vệ những tài sản quan trọng, trước những mối đe dọa như vậy trong tương lai.
Bình luận