(VTC News)- Lịch sử các kỳ thế vận hội chứng kiến vô số những bi kịch và scandal chấn động thế giới. Dưới đây là 8 câu chuyện nổi tiếng nhất được ghi nhận.
* Olympic 2012 chính thức khai mạc từ 02h45 rạng sáng 28/7
Đem theo nỗi oan khuất xuống mồ
Olympic 1912, VĐV điền kinh người Mỹ Jim Thorpe đã xuất sắc giành 2 HCV ở các nội dung năm và mười môn phối hợp. Tuy nhiên, anh đã bị tước huy chương và các kỷ lục thiết lập được vì bị phát hiện đã từng... chơi bóng chày chuyên nghiệp. Mặc dù kiên quyết kháng cáo nhưng ban tổ chức vẫn giữ nguyên quyết định.
Vào năm 1983, tức 30 năm sau ngày Thorpe mất, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã chính thức khôi phục lại các huy chương Olympic của anh.
Đổ máu ngay tại bể bơi
Cuộc thi bóng nước năm 1956 giữa Hungary và Liên-xô cũ đã biến thành một trận hỗn chiến đẫm máu. Sở dĩ căng thẳng gia tăng trong cuộc chạm trán này là bởi nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi hàng loạt binh đoàn tăng thiết giáp Liên-xô vươt qua biên giới Hungary, tiến thẳng vào thủ đô Budapest (nhằm trấn áp bạo loạn vũ trang tại quốc gia này).
Máu chảy ròng trên gương mặt Ervin Zador. |
Tuyển thủ Ervin Zador của Hungary đã rời sân với chiếc mắt phải chảy đầy máu. Rất may, xung đột chỉ diễn ra giữa VĐV đôi bên. Kết thúc trận đấu, Hungary thắng 4-0 và sau đó giành huy chương vàng Olympic.
Bị trục xuất vì... vô địch
Mexico 1968 có một hình ảnh đáng nhớ bậc nhất trong lịch sử các kỳ Olympic. Hai VĐV người Mỹ Tommie Smith và John Carlos đã vươn thẳng nắm đấm lên trời tại bục nhận huy chương nội dung chạy 200m đơn nam. Họ chính là những VĐV da màu đầu tiên đoạt huy chương tại một kỳ thế vận hội.
Tuy nhiên, hành động biểu hiện "sức mạnh của người da màu" ấy lại bị ban tổ chức lúc đó vu cáo mang động cơ chính trị. Hậu quả là Smith và Carlos bị trục xuất lập tức khỏi Mexico 1968 và cấm thi đấu ở các kỳ Olympic sau đó.
Chiến tranh lạnh trên sân bóng rổ
Olympic 1972 diễn ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh leo thang. Liên-xô đã phá vỡ thế thống trị của Mỹ trong nội dung bóng rổ. Điều đáng nói, chiến thắng của họ lại là một trong những tiêu điểm tranh cãi lớn nhất lịch sử Olympic.
Tuyển bóng rổ Mỹ ngơ ngác khi bị Liên-xô cướp HCV chỉ trong vòng 3 giây. |
Người Mỹ nghĩ rằng họ lẽ ra phải là người chiến thắng với một điểm nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi tiếng chuông kết thúc vang lên được ít giây, đồng hồ đếm thời gian đã thêm vào trận đấu 3 giây (cộng thời gian bóng chết). Đó chính là thời cơ vàng cho Alexander Belov thực hiện cú ăn điểm quyết định đem về HCV cho Liên-xô. Cho tới ngày nay, rất nhiều cựu tuyển thủ Mỹ vẫn không chấp nhận tấm HCB được trao.
Bị tước huy chương sau khi lập kỷ lục thế giới
Seoul 1988, Ben Johnson đã giành HCV cự ly 100m với thời gian kỷ lục thế giới lúc bấy giờ: 9,79 giây. Ngay sau đó, người về nhì là Carl Lewis đã khiếu nại lên ban tổ chức. Một cuộc kiểm tra doping đã được tiến hành cho kết quả dương tính với Johnson. Anh bị tước bỏ thành tích và Lewis được đôn lên nhận HCV.
Cũng năm 1988, ở nội dung quyền anh hạng bán trung, VĐV người Mỹ Roy Jones đã bị xử ép. VĐV chủ nhà Hàn Quốc Park Si-hun được thiên vị một cách trắng trợn và giành HCV. Sau đó, IOC đã phải can thiệp và trả lại ngôi vị số 1 cho Jones. Ba trọng tài chấm điểm cũng bị đình chỉ công tác.
Nỗi hổ thẹn của môn thể thao vua
Peru đánh bại Áo tại tứ kết môn bóng đá nam Berlin 1936 bằng hai bàn thắng trong hiệp phụ. Tuy nhiên, người Áo đã khiếu nại về việc bị CĐV đối thủ tràn vào sân đe dọa trong lúc thủng lưới hai bàn thua. IOC và FIFA đứng về phía tuyển Áo và đặc cách họ vào thẳng bán kết. Phản đối dữ dội nhưng không hiệu quả, Peru và Colombia đã quyết định rút lui sớm khỏi Olympic.
Roy Jones ôm mặt khóc tức tưởi nhìn Park Si-hun lên ngôi. |
Đẫm lệ bi kịch của Mary Decker
Định mệnh thật oái oăm với Mary Decker, VĐV chạy 3.000m người Mỹ. Cô đã hụt mất Montreal 1976 vì chấn thương, không được tham dự Moscow 1980 vì sự tẩy chay của đoàn thể thao Mỹ. Đến Los Angeles 1984, trong thời điểm thăng hoa sự nghiệp, cô một lần nữa gặp xui xẻo.
Chạy được nửa đường vòng thi chung kết, Decker vướng phải một vận động viên điền kinh tuổi mới lớn người Anh chạy chân trần, và cả hai đã bổ nhào vào nhau. Hình ảnh cô đau khổ ôm đùi và bật khóc gây xúc động mạnh cho hàng triệu CĐV nhà. Bốn năm sau, tại Seoul trong một cuộc đua tương tự, cô lại bị vướng ngã và thua cuộc.
Kẻ nói dối vĩ đại
Olympic 1904, sau khi xuất phát được 9 dặm, VĐV marathon người Mỹ Fred Lorz đã quyết định bỏ cuộc giữa chừng. Anh được đưa trở lại SVĐ bằng xe hơi để lấy đồ. Điều tai hại là trong lúc bước vào SVĐ Olympic, anh bị ban tổ chức nhầm lẫn là người về đích đầu tiên. Fred Lorz không phủ nhận mà nương theo sự cổ vũ, reo hò của đám đông CĐV.
Sau khi sự việc vỡ lở, Lorz bị cấm thi đấu vĩnh viễn dù ra sức phân trần rằng hành động của anh chỉ mang tính đùa giỡn, vui vẻ.
Hoài Thu
Bình luận