Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/8 thừa nhận có thể xem xét dỡ bỏ trừng phạt Nga nếu Matxcơva nhượng bộ và làm điều gì đó “tốt” cho Washington về các vấn đề như Syria và Ukraine.
“Tôi chưa nghĩ đến điều đó", ông Trump trả lời Reuters khi được hỏi có nghĩ đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga hay không.
“Tôi chỉ xem xét điều đó nếu họ làm điều tốt cho chúng tôi. Nếu không tôi sẽ không xem xét khả năng đó. Mặt khác, tôi sẽ không xem xét điều đó dù chỉ một chút trừ khi họ có gì đó thay đổi. Chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Chúng tôi có rất nhiều điều có thể làm tốt cùng nhau", ông nói thêm.
Trước những tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Nga đang góp phần vào việc giải quyết vấn đề Syria hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
"Đối với vấn đề Syria, không một quốc gia nào khác trên thế giới đóng góp to lớn như Liên bang Nga vào việc giải quyết các vấn đề chính trị và ngoại giao của Syria và tiến trình bình thường hóa cuộc sống, tạo điều kiện cho những người tị nạn trở về", ông Peskov nhấn mạnh.
Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự-Chính trị thuộc Viện Mỹ và Canada, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Vladimir Batyuk cho rằng Tổng thống Trump đang chơi trò "cảnh sát hiền", cố buộc các đối thủ của mình phải nhượng bộ khi bày tỏ sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga với điều kiện Matxcơva tuân thủ một số điều kiện nhất định.
"Trump thừa biết rằng chính quyền Mỹ hiện nay không có khả năng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nga. Bởi các biện pháp trừng phạt, kể cả những biện pháp đã được thực hiện và những biện pháp sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trước cuối năm nay là luật pháp. Mà một khi được cơ quan lập pháp thông qua, chính quyền Trump sẽ không thể hủy bỏ các lệnh trừng phạt này", ông Batyuk cho hay.
Video: Tổng thống Trump dọa sẽ là kẻ thù tồi tệ nhất với ông Putin
Theo ông này, đây là một chiến thuật điển hình của Washington, gọi là "cảnh sát hiền-cảnh sát ác". Quốc hội Mỹ lúc này sẽ đóng vai trò cảnh sát ác, hò hét, dọa nạt. Sau đó, "cảnh sát hiền" là Tổng thống Trump sẽ bước vào và nói rằng không nên làm như vậy, cần tôn trọng con người.
"Bị cáo lúc này sẽ quay sang người cảnh sát tốt bụng, bộc bạch mọi chuyện với ông ta. Đó là chiến thuật điển hình thường được các chính trị gia Mỹ sử dụng nhằm đạt được sự nhượng bộ từ phía các đối tác của họ trên trường quốc tế ", ông Batjuk phân tích.
Bình luận