Theo thống kê, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ 4 người thì 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại. Rượu bia không chỉ gây nghiện hay ngộ độc cấp tính, còn gây viêm tụy cấp, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư gan; ung thư đại tràng, thậm chí gây rối loạn tầm thần kinh.
Theo các chuyên gia y tế, bia, rượu được cho là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong và khuyết tật. Đáng lưu ý những ca tử vong do hậu quả của rượu, bia do các bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46% tổng số ca tử vong, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan).
Video: Xem clip này bạn sẽ không dám lái xe sau khi uống bia rượu!
Cũng theo một nghiên cứu cho thấy, 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội đều xuất phát từ nguyên nhân do lạm dụng bia rượu.
Thống kê tại các bệnh viện lớn như: BV Việt Đức, BV Bạch Mai (Hà Nội), BV Chợ Rẫy (TP HCM)..., những ca nhập viện do sử dụng bia rượu như tai nạn giao thông, ngộ độc rượu và một số bệnh khác liên quan đến bia, rượu gia tăng đáng kể vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi vào cơ thể cồn (ethanol) trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde là chất độc cho cơ thể. Nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp hết, với khả năng trung bình khoảng 10 gam cồn (tương đương 1 đơn vị cồn) tương đương 1 ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia hơi mỗi giờ.
Nhưng nếu uống quá mức dung nạp, chất độc này sẽ bị tồn lại trong gan gây độc cho cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, vào dịp lễ, Tết, nét văn hóa “uống rượu khai xuân” của người Việt là nét văn hóa tốt nhưng nó đang dần bị lạm dụng, mọi người chúc tụng nhau mà không quan tâm đến sức khỏe từng cá nhân.
Mỗi người có một mức dung nạp vào cơ thể lượng cồn nhất định nên việc uống rượu, bia, không được ép và cần hạn chế để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và an toàn cho mọi người xung quanh.
Bình luận