Trong thông báo phát đi cuối ngày 24/8, ESO khẳng định sự tồn tại của một hành tinh có thể tồn tại sự sống với nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
Ngoài việc có thể tồn tại sự sống, việc phát hiện ra hành tinh này cũng mở ra hy vọng cho việc thiết lập một ngôi nhà ngoài vũ trụ dành cho con người.
Theo thông tin của ESO, 'Trái đất thứ 2' lớn hơn một chút so với Trái đất, cách chúng ta chỉ 4 năm ánh sáng và quay quanh Proxima Centauri, ngôi sao gần nhất với hệ Mặt trời.
'Trái đất thứ 2' được đặt tên là Proxima b và quay gần Proxima Centauri so với Trái đất quay quanh Mặt trời. Ở hành tinh này, 1 năm, hay một hành trình quanh Proxima Centauri chỉ kéo dài trong 11 ngày. Tuy nhiên, do nhiệt độ của Proxima Centauri thấp hơn so với Mặt trời nên sự sống vẫn có thể phát triển.
Tiến sỹ Guillem Anglada-Escude, đến từ Đại học Queen Mary ở London, người chỉ huy nhóm 30 nhà khoa học nghiên cứu về hành tinh này cho biết: "Việc phát hiện ra hành tinh giống Trái đất ở cự ly gần nhất đã tạo ra sự hứng thú cho các nhà khoa học.
Chúng tôi hy vọng phát hiện này sẽ thúc đẩy thế hệ nhà hoa học trẻ tiếp tục công cuộc tìm kiếm những ngôi sao, hành tinh mới có khả năng tồn tại sự sống. Ngoài ra, họ cũng sẽ có động lực để nghiên cứu thêm về Proxima b".
Hiện nay, Proxima b là mục tiêu hướng tới của khoa học vũ trụ trong tương lai. Nhưng dù cho có thể chế tạo được phi thuyền di chuyển với tốc độ ánh sáng và đến đây sau 4 năm thì đó chưa phải là vấn đề cuối cùng chúng ta phải đối phó.
Trên Proxima b, tia X và tia cực tím phát ra từ ngôi sao của nó được phát thẳng xuống bề mặt mà không bị ngăn chặn qua khí quyển như ở Trái đất. Vì vậy, nếu đặt chân được lên hành tinh này, loài người vẫn còn rất nhiều điều phải làm.
Những con số liên quan đến 'Trái đất thứ 2'
- Proxima b cách Trái đất 40.200 tỷ km
- Với hệ thống tàu vũ trụ hiện nay, cần 30.000 năm để tiếp cận Proxima b
- 20 năm là quãng thời gian để tiếp cận Proxima b nếu di chuyển với tốc độ 160,9 triệu km/giờ bằng cách dùng chùm tia công suất 100 gigawatt để đẩy tàu vũ trụ
- Proxima b quay quanh Proxima Centauri trong vòng 11,2 ngày so với 365 ngày của Trái đất quay quanh Mặt trời
Bình luận