Vừa qua, Trung Quốc có thông báo về 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại. Sau đó, phía Trung Quốc quyết định tạm dừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan của Việt Nam để phối hợp điều tra nguyên nhân. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nông sản của một số địa phương có diện tích trồng xoài nhiều, khi việc cấp và quản lý mã số vùng trồng vẫn chưa thực sự được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, địa phương có 2 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói trong danh sách vi phạm. Tuy nhiên, thời điểm phía Trung Quốc phát hiện sự việc thì xoài của Đồng Tháp đã hết vụ mùa. 2 mã số vùng trồng nằm trong danh sách vi phạm bị mạo danh của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thì không xuất khẩu xoài sang Trung Quốc và chủng loại xoài cũng không phải. Việc mạo danh mã số vùng trồng đã và đang ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nông sản mà địa phương gây dựng bấy lâu nay.
Ảnh hưởng uy tín của thương hiệu
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc hợp tác xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, HTX cũng không biết sản phẩm xoài của hợp tác Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ khi được Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh thông báo thì mới biết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là xoài của hợp tác xã Mỹ Xương chỉ xuất khẩu vào các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Úc và Nga. Đối với thị trường Trung Quốc thì không có đối tác nào.
Giám đốc hợp tác xã Mỹ Xương cho rằng, thời điểm phía Trung Quốc phát hiện các lô xoài có sâu gây hại, diện tích trồng xoài của hợp tác xã xoài cũng đã hết mùa vụ và hợp tác xã chỉ trồng xoài cát Hòa Lộc, cát chu, không có sản phẩm xoài tượng da xanh như phía Trung Quốc thông báo. Rõ ràng, việc mạo danh mã số vùng trồng đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và sản xuất xoài của người dân trong hợp tác xã.
Ông Võ Việt Hưng kiến nghị, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xoài Mỹ Xương, các cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi của người trồng xoài và hơn hết là uy tín của thương hiệu xoài Đồng Tháp.
“Nếu lấy mã số vùng trồng của hợp tác xã, thì phải thông qua hợp tác xã, phải có hợp đồng. Trường hợp này họ tự làm rồi dán con tem, mã QR code không thông qua hợp tác xã. Việc này không quản lý được vì người ta tự in. Cơ quan chức năng phải xác minh rõ đây không phải nguồn xoài từ hợp tác xã, mã vùng trồng này do những doanh nghiệp mạo danh. Thời gian qua chỉ xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Úc, Nga”, ông Võ Việt Hưng nói.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản của Đồng Tháp xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Trong đó, hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác thực hiện về thủ tục đăng ký mã số vùng trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã và ngành chuyên môn tăng cường rà soát mã vùng trên địa bàn quản lý. Đồng thời, người dân quản lý, giám sát chặt chẽ mã vùng của mình khi bán cho thương lái hoặc doanh nghiệp để xuất khẩu. Trong đó, sẽ thực hiện theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây, mã số vùng trồng và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu; sản lượng trái cây, nhà đóng gói được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính, và số liệu phải được báo cáo định kỳ.
Ông Huỳnh Tất Đạt cho biết thêm: “Xoài trên địa bản tỉnh hết vụ rồi, không có vụ để sản xuất. Về lâu về dài cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ của xoài của người sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tôi cũng có kiến nghị để quản lý, hỗ trợ tập huấn cho các hộ để quản lý chặt chẽ hơn về mã vùng của mình”.
Nhức nhối tình trạng mạo danh mã số vùng trồng ở ĐBSCL
Tại tỉnh Tiền Giang có diện tích cây xoài thương phẩm trên 3.000 ha tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, Cây Lậy, Tân Phước. Đặc biệt, xoài cát Hòa Lộc ở Cái Bè đã xây dựng thương hiệu và được cấp mã vùng cách nay 5 năm. Với chất lượng cao nên trái xoài cát Hòa Lộc đã xuất khẩu ra nhiều thị trường “ khó tính” trên thế giới như: Nhật, Mỹ, Úc…
Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp “ ăn cắp” thương hiệu xoài cát Hòa Lộc của Hợp tác xã để xuất khẩu. Phía Hợp tác xã và nhà vườn rất bức xúc nhưng đủ khả năng để “kiện” đòi lại sự công bằng cho loại trái cây đặc sản này.
“Trước mắt, chúng tôi trình sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang xem có biện pháp nào để can thiệp thì họ nói làm đơn xuống, kêu kiện. Bây giờ khả năng kiện không dễ, rồi chi phí không có, lấy tiền đâu mà đi kiện. Trước mắt mình phải có đầu ra cho nông dân. Hiện nay đầu ra chưa ổn định, nếu kiện thắng, nông dân bán không được thì sẽ gặp khó vì thương hiệu đó đã được độc quyền rồi”, ông Nguyễn Văn Thực chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 80.000 ha vườn cây ăn trái. Đến thời điểm này đã có 9 loại trái cây đặc sản có mã vùng. Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang cho biết, chưa nghe thông tin từ các địa phương báo là có trường hợp “tranh chấp” mã vùng khi xuất khẩu trái cây nói chung và trái xoài nói riêng. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần có sự vào cuộc của các đơn vị quản lý xuất khẩu, các cơ quan Trung ương, đơn vị sẽ đề xuất về Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực này.
Rõ ràng, việc một số công ty xuất khẩu đã mạo danh mã số vùng trồng làm ảnh hưởng đến uy tín, nhãn hiệu và trái cây của địa phương. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nông sản như sự việc vừa qua./.
Bình luận