Theo SCMP, hôm 15/4, một số mạng xã hội Trung Quốc như Zhihu (chuyên về hỏi đáp), và Douyin (phiên bản nội địa của TikTok), thông báo sẽ sớm bắt đầu hiển thị vị trí người dùng dựa theo địa chỉ IP. Người dùng sẽ không thể “tắt” tính năng này.
Các nền tảng mạng xã hội cho biết họ thực hiện phương pháp nhằm “ngăn chặn cư dân mạng giả vờ làm dân địa phương và lan truyền tin đồn”, giả vờ làm người tham gia các sự kiện được quan tâm, cố đề cập đến các địa điểm “nóng” để được hiển thị và tương tác nhiều hơn.
Luật Trung Quốc không bắt buộc các mạng xã hội hiển thị vị trí người dùng.
Các nền tảng khác cũng đang chuẩn bị thực hiện thay đổi tương tự bao gồm mạng tin tức Jinri Toutiao, mạng video ngắn Kuaishou, cộng đồng phong cách sống Xiaohongshu. Mạng xã hội Weibo (giống như Facebook ở Trung Quốc) cũng đã bắt đầu thử nghiệm tính năng hiển thị vị trí người dùng từ tháng trước.
Thông báo của các mạng xã hội khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc bất bình. Họ cho rằng tính năng này xâm phạm quyền riêng tư của họ. Nhưng Douyin và Toutiao tuyên bố rằng biện pháp này nhằm duy trì việc thảo luận minh bạch và có trật tự trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như giảm thiểu những hành vi sai trái.
Trước đó, hồi tháng 8/2021, các cơ quan tuyên truyền nhà nước hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi cần “đánh giá nội dung văn hóa và nghệ thuật” trực tuyến tốt hơn, bằng cách hạn chế vai trò của thuật toán trong phân phối nội dung.
Trong cùng tháng, Bắc Kinh phát động chiến dịch chống “tin giả”, nhắm vào các tổ chức tin tức, các nền tảng trực tuyến và tài khoản mạng xã hội công khai, cũng như các trang chưa được công nhận chính thức của các tổ chức xã hội và cá nhân.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thắt chặt việc quản lý đối với các nền tảng kết nối người hâm mộ trực tuyến nhằm loại bỏ việc “thao túng” quan điểm.
CAC cũng công bố các hướng dẫn để giải quyết vấn đề hiểu sai các chính sách tài chính quốc gia và dữ liệu kinh tế vĩ mô.
Bình luận