• Zalo

Manchester City sang Việt Nam: Sao không mơ Pirlo, Lampard đá V-League?

Thể thaoThứ Tư, 22/07/2015 07:00:00 +07:00Google News

Nếu bầu Hiển hợp tác thành công với Manchester City, viễn cảnh những ngôi sao thế giới tuổi xế chiều chạy trên sân bóng V-League là hoàn toàn có thể xảy ra.

(VTC News)- Nếu Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng hợp tác thành công với Manchester City, viễn cảnh những ngôi sao thế giới tuổi xế chiều chạy trên sân bóng V-League là hoàn toàn có thể xảy ra.

* Lời tòa soạn: Hà Nội T&T từng gây sốc khi đánh tiếng mời Van Nistelrooy về Việt Nam thi đấu những năm cuối trong sự nghiệp. Tất nhiên, việc không thành và đó được coi là một chiêu trò làm truyền thông đặc biệt kiểu bầu Hiển.

Nhưng nếu mong muốn hợp tác của bầu Hiển với Manchester City thành hiện thực, viễn cảnh những Pirlo, Lampard chơi bóng ở Hàng Đẫy mỗi cuối tuần hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì sao điều đặc biệt ấy có thể xảy ra? Mời quý độc giả theo dõi kỳ 2 loạt bài: "Manchester City- Tham vọng phủ bóng đại gia khắp thế giới".

Kỳ 1: Manchester City sang Việt Nam: Kiếm tiền kiểu đại gia, đừng mơ làm từ thiện

 Man City thắng AS Roma trong trận đấu giao hữu đầu mùa
Đầu tháng 7 này, người hâm mộ bóng đá trên toàn nước Mỹ phấn khích tột độ khi chứng kiến tiền vệ người Ý Andrea Pirlo ra mắt trong màu áo câu lạc bộ New York City. Đội bóng này mới thành lập được hơn 2 năm và mới thi đấu vài trận ở giải nhà nghề Mỹ MLS nhưng đã sở hữu 3 ngôi sao lừng danh là David Villa, Frank Lampard và mới nhất là Pirlo.

Lampard là trường hợp gây tranh cãi nhất, khi anh kí hợp đồng với New York City từ mùa hè 2014 và ngay lập tức được cho Manchester City mượn trong suốt mùa giải vừa qua. New York City và Manchester City, hai đội bóng ở cách xa nhau đến hơn 5000 km, với truyền thống lịch sử trái ngược nhưng thực ra chỉ là một, và đều nằm trong một chiến dịch “làm bóng đá” trên phạm vi toàn cầu của các ông chủ giàu có đến từ Abu Dhabi.

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 5/2013, khi đội bóng nước Anh quyết định hợp tác cùng đội bóng bầu dục New York Yankees chi ra 100 triệu USD để chính thức đưa đội bóng New York FC thi đấu ở MLS. Logo của đội bóng mới cũng có màu chủ đạo là xanh da trời giống Man City, nhà tài trợ chính cũng là Etihad và cầu thủ trong đội hình của HLV Jason Kreis cũng đến từ đội bóng bên kia bờ Đại Tây Dương (Angelino và Facey được Man City cho New York FC mượn để thi đấu mùa giải MLS 2015).
Pirlo Man City
Pirlo ra mắt đội bóng mới New York City, với áo đấu gần giống Man City. 
Từ đó đến nay, dưới danh nghĩa của City Football Group (CFG), ông chủ người Arab Sheik Mansour đã thâu tóm thêm Melbourne Heart (đổi tên thành Melbourne City FC) ở Australia và 20% cổ phần của đội bóng Nhật Bản Yokohama F.Marinos. CFG. Trước công chúng, những lãnh đạo của CFG một mực khẳng định mục tiêu của họ là góp phần phát triển bóng đá ở các nước họ đầu tư, mang đến niềm vui cho người hâm mộ, nhưng sự thật không chỉ có vậy.

Một trong những ví dụ tiêu biểu và dễ thấy nhất để thấy được lợi ích từ những vụ mua bán và thâu tóm nhiều đội bóng ở nhiều châu lục khác nhau của các ông chủ Man City chính là chuyển nhượng cầu thủ.

Trong mùa hè năm 2014, người ta thấy tiền đạo người Tây Ban Nha David Villa kí hợp đồng với New York FC rồi ngay lập tức được cho Melbourne FC mượn. Frank Lampard chia tay Chelsea sau 13 năm gắn bó để gia nhập New York FC, nhưng rồi ngay lập tức lại quay trở lại xứ sở sương mùa để khoác áo Man City theo dạng cho mượn.

Không ai biết thực hư hợp đồng của Lampard với Man City và New York City như thế nào, và chính các cổ động viên của đội bóng nước Mỹ cũng bị lừa khi tưởng rằng anh sẽ chỉ được Man City mượn đến hết lượt đi mùa giải 2014-2015, trong khi trên thực tế nó đã kéo dài đến hết mùa giải.

Bộ đôi quyền lực đằng sau các vụ mua bán của Man City, Soriano và Berigistain. 
Một số chuyên gia tài chính còn nghi ngờ rằng hệ thống liên kết xuyên lục địa này là giải pháp mà các ông chủ của Man City dùng để đối phó với luật công bằng tài chính FFP của UEFA. Đội bóng nước Anh có thể thông qua các khoản đầu tư, tài trợ hay thậm chí là các hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ để chuyển phần thua lỗ cho những “người anh em” như New York FC hay Melbourne FC và “làm đẹp” báo cáo tổng kết năm của đội bóng chủ sân Etihad.

Không phải ngẫu nhiên mà đi liền với sự bành trướng của thương hiệu Manchester City ra toàn cầu là sự gia tăng mạnh mẽ của doanh thu từ hoạt động thương mại, dẫn đến những con số tích cực trong báo cáo hàng năm của đội bóng này.
Clip: Sterling ghi bàn đầu tiên trong màu áo Man City
Trong mùa giải 2013/2014, doanh thu từ hoạt động thương mại tăng 16% đạt mức 166 triệu bảng, gần gấp đôi các đội bóng như Liverpool hay Chelsea và vượt qua cả gã khổng lồ xứ Catalan Barcelona. Số đối tác thương mại của Man City tăng 133% lên con số 35 (25 ở phạm vi Anh và toàn cầu, 10 ở phạm vi khu vực), chủ yếu là nhờ sự có mặt của họ ở những thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Australia hay Nhật Bản.

 

Man City là đội bóng vô địch về du đấu trước mùa giải 2015/2016, với tổng quãng đường di chuyển lên tới gần 50,000 km qua 3 châu lục là châu Mỹ,châu Đại dương và châu Á (Việt Nam)

 
Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ này mà kết thúc năm 2014, Man City “chỉ” lỗ 23 triệu bảng, giảm hơn một nửa so với năm 2013 và chỉ bằng 1/8 so với mức lỗ kỉ lục 197 triệu bảng năm 2011.

Thua lỗ giảm mạnh, những nguy cơ trừng phạt từ UEFA do vi phạm luật Công bằng tài chính FFP đã tạm thời biến mất, Man City hoàn toàn có thể tự tin bước vào mùa giải mới 2015/2016 một cách tự tin nhất, mà bản hợp đồng kỷ lục 49 triệu bảng với Sterling từ Liverpool là ví dụ điển hình nhất.


Một hệ quả khác từ chiến lược đầu tư bóng đá trên toàn cầu của ông chủ Sheikh Mansour, là những chuyến du đấu với tần suất và quãng đường di chuyển ngày một dầy thêm.

Mùa hè năm nay, Man City là đội bóng vô địch về du đấu trước mùa giải, với tổng quãng đường di chuyển lên tới gần 50,000 km qua 3 châu lục là châu Mỹ (Houston, Toronto), châu Đại dương (Melbourne) và châu Á (Việt Nam). Quãng đường này nhiều gấp đôi của Arsenal và gấp 4 lần đội bóng hàng xóm Manchester United.

Rõ ràng, dù sở hữu một đội hình với tuổi trung bình gần như cao nhất ở Premier League nhưng thầy trò Pellegrini vẫn phải trải qua “cuộc hành xác” trên toàn thế giới để phục vụ cho mục tiêu phủ sóng toàn cầu của các ông chủ ngồi ở Abu Dhabi.

Ngày 27/7, Man City sang Việt Nam, điểm kết thúc của chuyến du đấu dài nhất trong lịch sử CLB từ trước đến nay.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn