Sau khi Manchester City phá kỷ lục điểm số vô địch Ngoại Hạng Anh mùa trước với 100 điểm, HLV Pep Guardiola khẳng định "không chắc chắn đội bóng có thể đạt cột mốc này lần nữa". Man City mùa này đúng là không giành 100 điểm, song con số 98 điểm cũng là thành tích quá ấn tượng.
Đội chủ sân Etihad có 198 điểm sau 2 mùa, đạt trung bình 2,6 điểm/ trận - con số chưa từng xuất hiện trong lịch sử Ngoại Hạng Anh. Trước khi Guardiola cập bến nước Anh, kỷ lục điểm số của một đội vô địch là 95 điểm (Chelsea mùa 2004/2005). Man City đã phá kỷ lục đó không chỉ một, mà là hai lần.
Man City cũng là đội đầu tiên sau 10 năm bảo vệ được ngai vàng nước Anh (sau Manchester United của Sir Alex Ferguson). Để trang hoàng thêm cho mùa giải này, David Silva cùng các đồng đội hạ nốt Watford trong trận chung kết FA Cup với tỉ số 6-0. Xin nhắc lại, thắng chung kết 6-0 để trở thành đội Anh đầu tiên vô địch cả 3 cúp quốc nội.
Các chuyên gia có lý khi gọi Man City là đội vĩ đại nhất, xét trong khuôn khổ 2 mùa gần nhất. bóng đá Anh chưa từng chứng kiến "thực thể" nào có khả năng vừa đá đẹp, vừa tàn sát cực độ như Man City của Guardiola. Bậc thầy huấn luyện Marcelo Bielsa từng nói "tôi thấy lãnh đạm và thiếu sót khi nhìn Man City chơi bóng". Đội chủ sân Etihad chơi đẹp, đá hay, "mở khoá" mọi hàng phòng ngự với lối chơi đầy nghệ thuật. Không có điểm yếu nào ở tập thể này.
Tuy nhiên, vẫn có vết xước trên vương miện của Man City. 2 năm xưng bá nước Anh, song Man City lại bị chính những đội bóng Anh loại khỏi tứ kết Champions League. Mùa giải 2017/2018, Man City bị Liverpool "hạ nhục" 3-0 ở Anfield trước khi thua tiếp 1-2 trong trận lượt về. Mùa giải này, Man City bị Tottenham loại khỏi vòng 8 đội mạnh nhất.
Nên nhớ, Tottenham của HLV Mauricio Pochettino chi 0 bảng trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất, đối lập với nửa tỷ bảng Man City bỏ ra dưới thời Guardiola, song nửa xanh thành Manchester chưa từng đi quá tứ kết, còn Tottenham, Ajax, AS Roma hay Liverpool đều đã lọt vào ít nhất bán kết.
Ở sân chơi tiềm ẩn sai số lớn như Champions League, đến Barcelona còn bị loại trước thềm chung kết trong 4 năm liền. Các đội bóng ở giải đấu cúp thường tìm cách loại nhau hơn là thắng nhau. Đơn cử một trận hoà trên sân khách cũng có thể coi như một chiến thắng, hay thắng trên sân nhà chưa chắc đã là... thắng. Thế mới có chuyện Man City ghi 5 bàn vào lưới Monaco hay 4 bàn vào lưới Tottenham ở Etihad mà vẫn bị loại đau đớn.
Vấn đề của Man City rất rõ ràng. Điểm mạnh nhất của họ là hệ thống triết lý nhất quán và lối chơi chuẩn chỉ như một cỗ máy, lại chính là điểm yếu khi đội bóng này bước ra Champions League. Để lọt vào chung kết, đội bóng có cần đá hay và áp đảo hoàn toàn đối thủ? Hãy hỏi Tottenham.
180 phút trước Ajax Amsterdam, Tottenham đá tệ trong 135 phút. Đội bóng thành London chỉ cần hay trong 45 phút hiệp 2 ở Johan Cruyff Arena để vào chung kết. Liverpool cũng chỉ cần 45 phút "điên rồ" trước Barcelona để có điều mà Man City mơ ước hàng thập kỷ cũng không có được.
Hệ thống triết lý và lối chơi được lập trình sẵn giúp Man City là "quái vật đường dài". Dù vậy, Man City lại không giỏi đối phó với những tình huống phát sinh rất cụ thể trong trận đấu. Guardiola giỏi huấn luyện bằng triết lý. Bóng đá với ông phải thế này, thế kia. Nếu Man City không được chơi thứ bóng đá của mình, họ sẽ thất bại.
Đội bóng của Pep thua Tottenham 0-1 bởi chơi quá cầm chừng và "cầu hoà". Đến khi dẫn đối thủ 4-2, Man City lại bất lực khi Tottenham chuyển sang chơi bóng dài. Một mình Fernando Llorente "cân" cả hàng thủ Man City trong các pha không chiến. Đội bóng của Pep không được huấn luyện để đối phó với những biến số thường nhật ở sân chơi knock-out như vậy. Ở Champions League, quá nhiều đội bóng biết phải làm gì khi gặp Man City.
Điều đó trái ngược với Manchester United của Sir Alex Ferguson. Suốt những năm thống trị Ngoại Hạng Anh và vô địch Champions League 2 lần, MU không có một triết lý xuyên suốt. Quỷ đỏ biến thiên nhiều lối chơi, chuyển từ ban bật nhỏ, phản công nhanh đến tạt cánh đánh đầu,...
Đến giờ, vẫn ít người hiểu được Sir Alex đã giúp MU vô địch mùa giải 2012/2013 và suýt thắng Real Madrid bằng cách nào khi có Anderson, Tom Cleverley, Danny Welbeck, Rafael da Silva hay Javier Hernandez trong đội hình. Nếu Guardiola tiếp quản MU khi đó, có thể ông đã bán nửa số cầu thủ trong đội hình chính như đã làm với Man City.
MU không thực sự áp đảo trong các trận đấu (tỉ lệ cầm bóng rơi vào khoảng 54% - 58%), song Quỷ đỏ có đủ phương án chiến lược để đối phó với mọi đối thủ. MU đủ sức giải quyết các trận nhỏ và thi đấu sòng phẳng trong các trận lớn, dù đối thủ có là Bayern Munich, Barcelona hay Real Madrid.
Bản lĩnh cùng khả năng thích ứng với hoàn cảnh của MU là thứ Man City vẫn thiếu. Do đó, dẫu MU không thống trị tuyệt đối và tạo ra thứ bóng đá vị nghệ thuật như Man City của Guardiola, Quỷ đỏ vẫn tạo cảm giác chắc chắn và lý tính hơn.
Đội bóng vĩ đại nhất lại không qua được tứ kết trong hai mùa liền, xem chừng... không ổn. Man City sẽ còn làm mưa làm gió ở Ngoại Hạng Anh trong thời gian dài. Tuy nhiên, để có thể tạo thế song hành ở cả giải quốc nội và Champions League - giải đấu mà giới chủ Ả Rập luôn khao khát vô địch, Guardiola vẫn còn phải thay đổi nhiều. Vốn tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo, Guardiola hiển nhiên muốn Man City phải nâng cấp hơn nữa.
Bình luận