MU lạc lối trong 'cuộc chiến vương quyền'
Trong 10 cuộc đối đầu với nhóm 6 đội mạnh nhất Premier League mùa này, MU chỉ có đúng 1 chiến thắng, với cách biệt tối thiểu trước Tottenham trên sân Wembley. Tuy nhiên, đó lại là trận đấu mà Gà trống chơi áp đảo sau khi bị dẫn bàn và Quỷ đỏ đã thoát nạn nhờ phong độ xuất thần của David De Gea trong khung thành.
Trên BXH Premier League, đội chủ sân Old Trafford như gắn chặt với vị trí thứ 6. Họ sa thải Jose Mourinho, bổ nhiệm Solskjaer làm HLV tạm quyền khi đứng thứ 6. Trở lại vị trí giành vé dự Champions League rồi quay về đứng thứ 6 khi cựu danh thủ người Na Uy được ký hợp đồng chính thức.
Quỷ đỏ không đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua trường kỳ, cũng không đủ lực để gồng lên quyết đấu với các đối thủ sừng sỏ trong các trận đại chiến ở Premier League mùa này.
Dấu hiệu về một mùa giải bết bát đã có từ chuyến du đấu Hè 2018, khi MU sang Mỹ với đội hình hỗn tạp, thiếu vắng hàng loạt ngôi sao vì World Cup. Họ hòa nhạt nhẽo với những đối thủ nhẹ ký như Club America và San Jose Earthquakes rồi thua đậm 1-4 trước Liverpool.
Đến cuối Hè, mâu thuẫn giữa Jose Mourinho và Phó Chủ tịch Ed Woodward bùng nổ vì vấn đề chuyển nhượng. MU mua sắm theo kiểu “1 đi, 1 về” chứ không phải nâng cấp đội hình. Michael Carrick giải nghệ, Fred thay thế. Daley Blind sang Ajax, Diogo Dalot tới từ Porto. Joel Pereira được đem cho mượn để tích lũy kinh nghiệm, lão tướng Lee Grant về làm thủ môn số 3.
Mâu thuẫn nội bộ, kỳ chuyển nhượng đáng quên và mùa giải 2018/2019 đầy thất vọng đặt ra dấu hỏi lớn về tầm nhìn chiến lược của MU – điều mà họ đang thua xa các đối thủ trong cuộc chiến vương quyền ở Premier League.
Vì bất cứ lý do gì, đội chủ sân Old Trafford đã bỏ lỡ cơ hội để tạo đà đi lên thời hậu Sir Alex Ferguson, sau khi vô địch League Cup, vô địch Europa League, Á quân Premier League, Á quân FA Cup trong 2 mùa giải trọn vẹn cùng Jose Mourinho và đẩy mình trở lại trạng thái khủng hoảng.
Nhìn sang các đối thủ trong nhóm big six Premier League, Man City đã không ngừng lớn mạnh từ thời Roberto Mancini, Manuel Pellegrini tới Pep Guardiola. Liverpool tạo đà thăng tiến với Brendan Rodgers rồi bùng nổ với Jurgen Klopp dù vẫn chưa có danh hiệu.
Chelsea thừa hưởng căn cơ từ thời Jose Mourinho và Antonio Conte để có chật vật ra sao với Maurizio Sarri thì vẫn đang xếp trên MU ở Premier League. Arsenal đã chuyển giao thế hệ khá ổn thỏa khi chọn Unai Emery kế nhiệm triều đại 22 năm của “Giáo sư” Arsene Wenger.
Tottenham có Mauricio Pochettino trên ghế thuyền trưởng và bộ khung đủ vững chắc để không mua sắm trong 2 kỳ chuyển nhượng liên tiếp mà vẫn vào đến bán kết Champions League. Thậm chí, chất lượng chuyên môn ở 2 trận tứ kết vừa qua giữa Tottenham và Man City có thể khiến mọi CĐV Quỷ đỏ cảm thấy “đắng lòng”.
Đó là cuộc đọ sức nghẹt thở giữa 2 đội bóng có chiều sâu lực lượng đáng nể, được gây dựng qua nhiều năm, sở hữu những ngôi sao biết cách tỏa sáng đúng thời điểm và được dẫn dắt bởi 2 nhà cầm quân đầy mưu lược. Tất cả những điều ấy, MU đang không có và không biết đến bao giờ mới có.
Hình như các đội bóng hàng đầu nước Anh đều biết mình phải làm gì để theo đuổi thành công trên sân cỏ. Còn MU đã mất 6 năm từ ngày Sir Alex Ferguson giải nghệ mà vẫn chưa thể vạch ra một kế hoạch ổn thỏa để phát triển liên tục.
Solskjaer thành công mới lạ?
Tuần trăng mật của MU và Solskjaer đã kết thúc từ tháng Ba. Hiện tại sân Old Trafford đang có tình hình không mấy khả quan. Trước mắt Quỷ đỏ sẽ là kỳ chuyển nhượng Hè 2019 hứa hẹn nhiều biến động.
Antonio Valencia không được gia hạn hợp đồng. Ander Herrera đã chọn sang PSG khi các CĐV Quỷ đỏ bắt đầu nói về việc trao băng thủ quân cho tiền vệ người Tây Ban Nha. Tin đồn chuyển nhượng đang bủa vây Paul Pogba. Romelu Lukaku có thể bị thanh lý. Đàm phán với David De Gea thì vẫn bế tắc.
Trong số này, Antonio Valencia và David De Gea là di sản từ thời Sir Alex Ferguson. Ander Herrera có thể xem như hợp đồng chất lượng nhất thời Louis Van Gaal. Paul Pogba và Romelu Lukaku là những “bom tấn” thời Jose Mourinho.
Trước đó, Marouane Fellaini đã chia tay MU sang Shandong Luneng ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Tiền vệ người Bỉ được mang về sân Old Trafford từ thời David Moyes và luôn sắm vai quân bài tẩy khi Louis Van Gaal cũng như Jose Mourinho nắm quyền.
Nền tảng cơ bản mà Solskjaer thừa hưởng từ các đời HLV tiền nhiệm ở MU vốn dĩ chẳng mấy nhiều nhặn. Giờ thì nền tảng ấy còn đang lung lay với hàng loạt vấn đề và khiến bài toán xây dựng đội hình trở nên khó hơn với cựu danh thủ người Na Uy.
Mà sau nửa mùa giải dẫn dắt MU, Solskjaer lại chứng tỏ mình không phải HLV giỏi nhìn người, khéo dụng binh!
Solskjaer thử nghiệm Ashley Young đá trung vệ lệch phải, Ashley Young nhận thẻ đỏ. Thử nghiệm Luke Shaw đã trung vệ lệch trái, Luke Shaw đá phản lưới nhà. Trao cơ hội cho Andreas Pereira, Andreas Pereira mắc sai lầm. Để Fred gánh vác tuyến giữa, Fred gây thất vọng.
Thời làm cầu thủ, Solskjaer là siêu dự bị. Thời làm HLV, Solskjaer hình như chỉ thay người cho có. Suốt nửa mùa giải dẫn dắt Quỷ đỏ, Solskjaer không một lần thể hiện sự mát tay khi điều chỉnh nhân sự.
Trên khía cạnh nâng tầm cầu thủ, Solskjaer đâu có dấu ấn đặc biệt. Dưới triều đại của cựu danh thủ người Na Uy, CĐV Quỷ đỏ chẳng ai dám chắc hôm nay Paul Pogba sẽ ra sân với phong độ của một nhà vô địch thế giới hay là bóng ma vật vờ, Romelu Lukaku sẽ là sát thủ vòng cấm hay nghệ sĩ hài, Marcus Rashford sẽ là ngôi sao sáng chói hay cầu thủ tầm thường…
Solskjaer được xem là mẫu HLV theo trường phái đắc nhân tâm nhưng dưới thời cựu danh thủ người Na Uy, ai dám nói MU là tập thể đoàn kết? Solskjaer nhiều lần tìm cách truyền cảm hứng cho học trò mà Quỷ đỏ vẫn chơi tệ như thường.
Trước trận derby Manchester, Solskjaer đưa các học trò đến sân tập cũ The Cliff để khơi dậy lòng tự hào. Bước vào cuộc đối đầu với Man City, MU để lại dấu ấn với hàng thủ thảm họa và trở thành cảm hứng chế ảnh bất tận cho cư dân mạng.
Trong trận đấu ấy, người ta thấy Solskjaer, Michael Carrick và Mike Phelan ngồi chụm đầu bàn bạc trong khu huấn luyện. Rồi lại thấy cảnh Sir Alex Ferguson trên khán đài lặng lẽ nhìn Pep Guardiola cùng Man City rời Old Trafford với 3 điểm.
Video: MU thất bại trước Man City ở trận đá bù vòng 31 Ngoại hạng Anh
Sir Alex Ferguson thời MU hoàng kim còn là bại tướng của Pep Guardiola. Thử hỏi học trò cũ của huyền thoại người Scotland như Solskjaer, Michael Carrick với trợ lý cũ như Mike Phelan làm sao địch nổi thuyền trưởng Man City?
Nhìn vào những nhược điểm của Solskjaer, nhìn vào khoảng cách MU bị tụt lại so với các đối thủ, nếu đôi bên có thể đưa nhau đi qua mùa Hè này một cách êm đẹp rồi hướng đến thành công trong bối cảnh Premier League ngày càng khốc liệt, kể cũng là chuyện lạ.
Bình luận