Trong giới chơi cây cảnh Việt Nam, nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước bởi giá trị được định giá lên tới hàng chục tỷ thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng chủ nhân vẫn không bán.
Cây sanh "Nham thạch bách niên" - 470 tỷ
Tác phẩm sanh cổ có tên 'Nham thạch bách niên' xuất hiện tại Festival cây cảnh tỉnh Thanh Hóa 2019. Trong ngày đầu tiên của triển lãm, một doanh nhân người Nhật Bản định giá cây 20 triệu USD (khoảng 470 tỷ đồng), mức giá "trên trời" này đã khiến nhiều người không khỏi sốc nặng vì nó còn hơn cả một gia tài.
"Nham thạch bách niên" thuộc giống sanh quý hàng trăm năm tuổi, 9 thân cây vạm vỡ quần tụ tại 1 gốc trụ tựa 9 con rồng, tay tán bông đĩa đươc chia tỷ lệ hoàn hảo thành 81 bông tán tựa tản vân, phần thân và gốc cây địa y lên toàn thân trắng xoá đã chuyển sang màu đồng nham thạch.
Theo chủ nhân của "siêu cây", tổng trọng lượng của tác phẩm “Nham thạch bách niên” khoảng 50 tấn. Riêng chiếc chậu rộng 14m2 và chủ cây phải thuê 4 người thợ làm ròng rã trong 3 tháng mới xong.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong giới chơi cây cảnh, cây sanh đó chỉ to chứ dáng thế không có điểm nhấn. Đây có thể chỉ là chiêu trò "thổi" khống giá trị của cây, tuy nhiên, chủ nhân của cây khẳng định không ra giá, đó chỉ là định giá của vị doanh nhân kia nên giới chơi cây không thể trách chủ nhân của cây sanh thổi giá được.
Cây sanh "Mâm xôi con gà" - 120 tỷ
Siêu cây “mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 150 tuổi. Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Chủ nhân của siêu cây này là ông Nguyễn Nam Thành (Việt Trì, Phú Thọ). Cây có chiều cao 1m65, chiều ngang 2m, trọng lượng cả đá khoảng 1 tấn, có tán xòe rộng như mâm xôi, gốc và thân cây nằm trên khối đá nhỏ tạo thành hình gà.
Theo người chơi cây cảnh, sở dĩ cây “Mâm xôi con gà” tạo được sức hút là bởi nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”. Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ.
Trong một triển lãm sinh vật cảnh, "Mâm xôi con gà" được định giá 6 triệu USD, tương đương khoảng 120 tỷ đồng.
Cây sanh "Tiên lão giáng trần" - 28 tỷ
Giữa tháng 6/2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô la, trú tại TP.Việt Trì – Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh Tiên lão giáng trần từ ông Nguyễn Văn Chí (Thường Tín, TP.Hà Nội).
Sự kiện này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam bởi giao dịch quá “khủng” cũng như tên tuổi của những người tham gia vụ chuyển nhượng này. Trước đó chỉ 4 tháng, cây sanh Tiên lão giáng trần của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) mới được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí với giá 16 tỷ đồng.
Vị đại gia Toàn đô-la xác nhận bản thân đã theo đuổi cây sanh Tiên lão giáng trần từ lâu và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa cây này về bộ sưu tập “cây khủng” trong vườn của mình.
Được biết, cây “Tiên lão giáng trần” có nguồn gốc là ngọn của một cây sanh khác, được ông Dương Văn Mười cắt ra và chăm sóc trong khoảng hơn 10 năm.
Cây sanh này cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m, cho ra bộ rễ đẹp. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.
Giới chơi cây cảnh đều cho rằng, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” xứng đáng với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Cây sanh "Đại thế vân tùng" - 20 tỷ
Tác phẩm cây sanh cổ "Đại thế vân tùng" có tuổi thọ khoảng 75 năm tuổi được anh Phan Văn Thái (chủ nhà vườn Văn Thái, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mua từ một nhà vườn tại Thái Bình. Cây sanh này có chiều cao 3,6m, chiều ngang là 2,9m. Từ nhiều năm nay, cây sanh đã nức tiếng trong làng cây cảnh cả nước.
Phân tích kỹ hơn về tác phẩm chục tỷ của mình, anh Thái cho biết lý do đặt tên là Đại thế vân tùng bởi "đại thế" là chỉ một cây cảnh có dáng to và cao lớn. Bên cạnh đó, những bông tay, tán cây được ví như những đám mây bay nên trong tên có thêm một chữ "vân". Cuối cùng, toàn thể cây sanh này có dáng đứng hiên ngang và thẳng như cây tùng cây bách nên chữ cuối cùng của tên anh đặt thêm chữ "tùng".
Ngoài cái tên mỹ miều trên, tác phẩm này còn một tên khác mà được nhiều người yêu cây cảnh biết tới đó là cây “bể dát vàng”. Bởi ngoài vẻ đẹp của mình, tác phẩm còn ngự trên một chiếc bể được dát hơn 5 cây vàng 9999 với tổng giá trị thời điểm vài năm trước lên đến 185 triệu đồng. Hiện chiếc bể dát vàng này vẫn luôn gắn liền với cây.
Giá trị của cây sanh "Đại thế vân tùng" khoảng 20 tỷ đồng, nhưng theo chủ nhân của cây này, anh có thể sẽ không bán tác phẩm của mình cho người trả giá cao nhất. Bởi với anh, ngoài giá trị về kinh tế, tác phẩm còn có giá trị về thời gian và nghệ thuật. Là người sở hữu, anh coi nó như là viên ngọc báu, đứa con tinh thần của mình. Anh hy vọng có người sẽ hiểu được về cây và yêu tác phẩm của anh thật sự.
"Siêu cây" trâm vối - 10 tỷ
Cây trâm vối của ông Nguyễn Văn Ngọ (63 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) từng gây xôn xao dư luận khi được định giá lên tới 10 tỷ đồng. Cây có tuổi đời vài trăm năm, thân cây uốn lượn với 19 nhánh tựa như những con rồng đang bay lên khỏi mặt đất.
Cây trâm vối cho lá quanh năm. Mùa xuân, cây nảy lộc đâm chồi, ra hoa đậu quả, đến tầm tháng 9 thì quả to bằng đầu ngón tay út và chín. Khi chín, quả có màu tím cực đẹp, ai thích có thể hái ăn, vị ngọt hơi chát rất ngon.
Theo ông Ngọ, cây trâm vối ở Việt Nam không phải hiếm nhưng hầu hết là những cây to, dáng cây chỉ có 1, 2 thân. Trong khi cây trâm vối của ông có dáng tự nhiên, các thân cây quần tụ, ngọn hướng lên trời, tuổi đời lại lâu năm… nên có thể xem là độc nhất Việt Nam. Từ khi sở hữu siêu cây này, ông Ngọ đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng trong đó có cả những đoàn khách đến từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản…Nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng ông không đồng ý bán.
Bình luận