"Trong khi luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng. Những tính toán sai lầm có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực", Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin cho biết hôm 23/4.
Ông Datuk Seri Hishammuddin cũng cam kết bảo vệ lợi ích của nước này ở khu vực, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết thông qua biện pháp hòa bình.
Ngoại trưởng Malaysia đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã bám theo tàu khai thác dầu West Capella của công ty dầu khí Petronas (Malaysia) trên Biển Đông hôm 17/4.
Dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu thuyền cho thấy, hôm 16/4 tàu Hải Dương 8 ở vị trí cách bờ biển Malaysia khoảng 324 km. Sau đó, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đã tiếp cận tàu West Capella.
Hôm 21/4, hai chiến hạm Mỹ là USS America và USS Bunker Hill hiện diện ở Biển Đông, gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 22/4 cho biết, nước này vừa gửi 2 công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, nhằm phản đối các hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines lên tiếng phản đối các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng hành động của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng một số tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam, hôm 14/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, "các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông”.
“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng cho biết thêm.
Bình luận