Cải tạo và nâng cấp các luồng tuyến vận tải đường thủy nội địa kết nối từ cảng biển TP.HCM đến các cảng trong khu vực Đông Nam Bộ và cảng biển Cần Thơ để phát huy được tiềm năng vận tải biển, giảm áp lực giao thông đường bộ trong khu vực.
Hạ tầng kém, thiếu kết nối
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, kết quả khảo sát mới đây tại 4 khu vực trong nước cho thấy chi phí vận chuyển hàng hóa từ đường biển với đường bộ thấp hơn so với vận chuyển giữa đường biển với đường thủy và giữa đường biển với đường sắt, do không phải bốc xếp hàng hóa nhiều lần.
"Chưa hết, quá trình vận chuyển hàng hóa lại phát sinh nhiều chi phí, trong đó có tình trạng mãi lộ trên cả tuyến đường bộ lẫn đường thủy", ông Sang nói tại Hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP.HCM đến các tỉnh khu vực Đông - Tây Nam Bộ, do Cục Hàng hải VN và Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tổ chức ngày 29-9.
Tại hội nghị, ông Sang cho rằng dù là khu vực kinh tế phát triển nhất VN, đóng góp hơn 2/3 nguồn thu ngân sách hằng năm và có tỉ lệ đô thị hóa 50%, nhưng khu vực Đông Nam Bộ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vận tải đường thủy nội địa và đường biển. Đây cũng là tình trạng chung của khu vực Tây Nam Bộ.
"Nguyên nhân là do các tuyến vận tải sông, biển vẫn chưa được quan tâm đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông và logistics kém phát triển, chưa chú trọng liên kết vùng...", ông Sang khẳng định.
Để kéo giảm giá thành vận tải hàng hóa, theo các chuyên gia, việc đầu tư phát triển vận tải đường biển và đường thủy nội địa là yêu cầu cấp thiết.
Tuy nhiên, trước hết phải đầu tư đồng bộ hạ tầng, đảm bảo khả năng khai thác phương tiện lớn và tốc độ cao của các tuyến thủy nội địa, đầu tư tương xứng cho hệ thống bến bãi và các dịch vụ đầu cuối.
"Hệ thống bến bãi thủy nội địa chưa được cơ giới hóa, chưa đáp ứng được các hình thức vận tải hiện nay" - một chuyên gia khẳng định.
Ông Phan Hồng Phương, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông - Vận tải, cho rằng để phát triển hệ thống vận tải thủy nội địa, cần thực hiện nhiều giải pháp cải tạo nút thắt hiện nay.
Trong số đó, ông Phương cho rằng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp các luồng tuyến vận tải đường thủy nội địa kết nối từ cảng biển TP.HCM đến cảng biển Cần Thơ, cải tạo tĩnh không một số cây cầu trên tuyến này, đầu tư xây dựng mới các trung tâm đầu mối, phân phối hàng hóa đường thủy nội địa tại Tiền Giang, Long An, Cần Thơ và TP.HCM...
Một số chuyên gia cho rằng cần nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, qua kênh Quan Chánh Bố nhằm đưa tàu có tải trọng lớn vào cảng biển khu vực Cần Thơ, các tuyến luồng kết nối cảng biển Cần Thơ với cảng biển TP.HCM và giữa cảng biển TP.HCM với cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm điều tiết vận tải hàng hóa giữa các cảng.
Video: tàu chìm sau tai nạn đường thủy, 1 người mất tích
Đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ cần 5 tỉ USD
Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, cho biết đang hoàn tất báo cáo khả thi xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ dài 135,5km, với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD.
Dự kiến nhu cầu hành khách và hàng hóa năm 2025 là 540.477 lượt hành khách/ngày và 600.979 tấn/ngày. Đến năm 2035, số lượng hành khách và hàng hóa tương ứng là 726.271 lượt hành khách/ngày và 835.709 tấn/ngày.
Bình luận