• Zalo

Maersk và LF Logistics muốn đưa Việt Nam gia nhập mạng lưới logistics toàn cầu

Đầu TưThứ Ba, 29/11/2022 18:20:50 +07:00Google News
(VTC News) -

Maersk và LF Logistics đặt mục tiêu đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng qua mạng lưới logistics toàn cầu với năng lực lưu kho, phân phối và hỗ trợ bởi công nghệ.

Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 39 về Chỉ số Hiệu suất Hậu cần (2018), cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Theo xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu nhờ sự chuyển đổi manh mẽ của các doanh nghiệp trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.  

Nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tỷ lệ lạm phát thấp và khả năng phục hồi kinh tế, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự đoán cao nhất trên thế giới với 7,2%.  

Maersk và LF Logistics muốn đưa Việt Nam gia nhập mạng lưới logistics toàn cầu - 1

Hãng vận tải Maersk muốn tiến sâu vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Tỷ lệ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2022 - 2023 của thị trường logistics Việt dự báo đạt 5,5%. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.

Maersk và LF Logistics đặt mục tiêu đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu vững mạnh với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được tối ưu hóa dữ liệu và hỗ trợ bởi công nghệ.

Ông Hoan Đặng, Giám đốc Quản lý đơn hàng đa kênh tại Maersk Việt Nam và Campuchia cho biết, LF Logistics có uy tín cao trong hoạt động hoàn tất đơn hàng đa kênh, phục vụ nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong nhiều ngành cụ thể.

Với mối quan hệ lâu dài với khách hàng và vị thế mạnh mẽ trong lĩnh vực hậu cần theo hợp đồng, công ty đã thiết lập mô hình trung tâm hợp nhất xuất xứ tại Việt Nam, giúp kết nối nguồn cung của châu Á với các lãnh thổ khác trên thế giới.

"Đây là yếu tố thúc đẩy quan trọng cho các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của các hoạt động kinh doanh dịch vụ & Logistics tại Maersk Việt Nam", ông Hoan Đặng nói.

Ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành của Maersk châu Á Thái Bình Dương cho biết, Maersk châu Á có lịch sử tập trung vào vận tải biển và các dịch vụ hậu cần liên quan với phạm vi bên ngoài châu Á.

Thông qua việc bổ sung thêm LF Logistics, Maersk sở hữu khả năng vượt trội để phục vụ các thị trường tiêu dùng trọng điểm và đang phát triển nhanh ở khu vực châu Á. Hơn nữa, chuyên môn của LF Logistics trong việc thực hiện đơn hàng đa kênh giúp chúng tôi có vị thế tốt trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu. 

Maersk và LF Logistics muốn đưa Việt Nam gia nhập mạng lưới logistics toàn cầu - 2

Ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương (phải).

Thương vụ sáp nhập Maersk và LF Logistics diễn ra vào đúng thời điểm khó khăn đối với toàn ngành logistics khi tác động của đại dịch COVID và lạm phát toàn cầu ảnh hưởng nặng nề lên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, Maersk vẫn có triển vọng lạc quan về tăng trưởng của ngành, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi sản xuất và xuất khẩu là những động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế.  

Khi thương vụ mua lại hoàn tất, đồng nghĩa với việc khách hàng của hai công ty sẽ được tiếp cận hệ thống 450 nhà kho tổng hợp toàn cầu, trải dài hơn 6 triệu mét vuông. Cùng với năng lực vận chuyển có sẵn nền tảng và công nghệ, yếu tố lợi thế cạnh tranh này giúp hãng vận tải có lợi thế khi tiến sâu vào chuỗi cung ứng, hoàn thiện đơn hàng đa kênh tại thị trường Việt Nam.

Sau thương vụ M&A trị giá 3,6 tỷ USD giữa Maersk và LF Logistics hồi tháng 8/2022, cả Maersk và LF Logistics đặt mục tiêu tiến sâu hơn vào thị trường logistics đang rất tiềm năng tại Việt Nam, đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được tối ưu hóa dữ liệu và hỗ trợ bởi công nghệ.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn