• Zalo

Mách cách tránh bệnh nguy hiểm trong những ngày giá buốt

Sức khỏeThứ Hai, 25/01/2016 09:52:00 +07:00Google News

Những ngày rét đậm người già và trẻ nhỏ thường sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh, nên lời khuyên tốt nhất là phòng bệnh cho tốt.

(VTC News) - Những ngày rét đậm người già và trẻ nhỏ thường sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh, nên lời khuyên tốt nhất là phòng bệnh cho tốt.

Miền Bắc đang ở giữa đợt rét kỷ lục 30 năm. Trong những ngày rét đậm này, số bệnh nhân trẻ em và người cao tuổi nhập viện tăng đột biến vì các bệnh hô hấp, tiêu chảy, cơ xương khớp, huyết áp, tim mạch, hen phế quản... Nhiều bệnh viện ở Hà Nội trong tình trạng quá tải.

Bệnh nhi nhập viện chủ yếu do cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm đường hô hấp; trong khi người già phần lớn bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xương khớp.

Ở trẻ thường bị bệnh đường hô hấp

Không khí lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Bệnh hô hấp khá phổ biến, thường dễ tái đi tái lại và gây ra hậu quả xấu nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi – họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Sổ mũi là dấu hiệu đầu tiên của viêm đường hô hấp ở trẻ

Thông thường triệu chứng gồm ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, khàn tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.

Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và hết 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ (nhất là trẻ dưới 3 tuổi) có sức đề kháng kém bị bội nhiễm gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.

Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Chăm sóc và điều trị:

- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Vệ sinh đường hô hấp: súc họng, xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối loãng

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tăng cường rau xanh, nước hoa quả.

- Có thể cho trẻ dùng các thuốc ho, thuốc long đờm tại địa phương như quất mật ong, lá hẹ, húng quế… Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt hoặc dùng nước ấm chườm để hạ sốt.

Cần đi khám nếu:

- Trẻ bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú, bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.

- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.

- Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

Cách phòng chống:

- Ăn uống đủ thành phần dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…), chế độ ăn phù hợp theo lứa tuổi.

- Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá nóng hoặc quá lạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.

- Cha mẹ nên ngừng hút thuốc và giữ cho nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

- Hạn chế đưa con đến những nơi đông người trong mùa dịch.

Người lớn và người già thường bị đột quỵ và bệnh xương khớp

Tại sao mùa đông lại xảy ra tai biến nhiều hơn, đặc biệt đối với người có tiền sử huyết áp. Mùa đông là mùa dễ gây ra tai biến cho người mắc bệnh cao huyết áp và cũng là mùa khó khống chế huyết áp nhất. Vậy làm thế nào để chăm sóc cho người cao huyết áp trong mùa lạnh?


Do mùa đông nhiệt độ thấp, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự toả nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên.

Đồng thời, nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu tăng lên. Nếu ăn quá nhiều các chất đường, béo... sẽ khiến khả năng hấp thụ và trữ nước trong cơ thể tăng, làm cho dung lượng máu trong cơ thể tăng theo.

Nếu áp lực, công việc và gia đình quá căng thẳng sẽ làm cho huyết áp không dễ khống chế. Thời tiết lạnh thay đổi đột ngột, nguy cơ chủ yếu là gây ra bệnh biến chứng, đặc biệt là xuất huyết não, đứt mạch máu do thiếu máu và tử vong do nhồi máu cơ tim.


Cách bảo vệ huyết áp trong mùa lạnh

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, chuyên gia về tim mạch, thông thường khi trời lạnh thì các mạch máu co lại làm tăng huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ việc khám và điều trị theo đơn của bác sĩ. Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, liên tục theo đúng phác đồ điều trị.

Đối với người đã mắc bệnh huyết áp phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không được tự ý ngưng, nghỉ dùng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt để phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặt khác, bệnh nhân cần phải kiêng ăn mặn, uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá… tránh căng thẳng, lo âu quá mức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và luyện tập thể dục một cách hợp lý. Đặc biệt, người bệnh không nên thức dậy quá sớm, không nên ra ngoài tập thể dục, thay vào đó có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.


Đối với người huyết áp cao không nên tắm gội hàng ngày và không nên tắm và gội cùng một lúc. Đặc biệt, khi thấy trong người có những dấu hiệu bất thường như: Nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua… thì phải đến bệnh viện hoặc mời bác sĩ đến nhà khám ngay để có hướng điều trị phù hợp, vì đó là những dấu hiệu biến chứng dễ làm bệnh nhân bị đột quỵ.

Thời tiết rét lạnh, hoặc không khí ẩm ướt đều tạo điều kiện cho những cơn đau của bệnh nhân khớp bùng lên dữ dội và thường xuyên hơn. Người bệnh phải khổ sở đối mặt với những cơn đau khi di chuyển, trong sinh hoạt hằng ngày, dẫn đến suy nhược cơ thể và đối mặt với nguy cơ tàn phế

Đặc biệt, với những bệnh nhân thoái hóa khớp lâu ngày, do lớp sụn khớp bị bào mòn làm trơ ra đầu xương lồi lõm, các đầu dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên bệnh nhân thường cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Do vậy, chỉ cần thời tiết “trở mình”, các cơn đau khớp sẽ ập đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dưới đây là một số lời khuyên bổ ích giúp bệnh nhân khớp chăm sóc khớp đúng cách, ngăn chặn sụn khớp thoái hóa, hạn chế những cơn đau nhức khi “trái gió trở trời”.

 1. Giữ khô và ấm cho cơ thể: Khi trời trở lạnh, cần mặc đủ ấm, dùng khăn quàng cổ, găng tay, tất… Hạn chế chân, tay bị ẩm ướt, cần nhanh chóng lau khô người khi đi mưa. Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng cần làm nóng/ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu hoặc chườm nóng. Không nên xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau). Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi giúp giảm bớt đau nhức xương khớp.
Ảnh minh họa (NLĐ)

2. Vận động phù hợp:  Càng bị đau nhức xương khớp người bệnh càng sợ cử động, dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Vì vậy, khi bị đau khớp vẫn cần vận động phù hợp để khớp được “hô hấp”, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất từ dịch khớp. Những môn thể thao nên tập gồm bơi lội, khiêu vũ, uốn dẻo... dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ. Ngược lại, cần tránh bóng đá, bóng chuyền, tennis, mang vác nặng… Khi thời tiết lạnh và xương khớp đau nhức vẫn cần vận động phù hợp. Ảnh minh họa: Internet

3. Ăn uống, duy trì cân nặng hợp lý Đảm bảo hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, ăn nhiều trái cây, cá hồi, các loại hạt, rau lá xanh, cải xoăn… Hạn chế các chất kích thích, thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn quá chua, quá mặn… Đặc biệt, duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho các khớp, giúp khớp không bị thoái hóa sớm. Dinh dưỡng tốt, lành mạnh rất có ích cho người hay bị đau nhức xương khớp. Ảnh minh họa: Internet

4. Không tự ý dùng thuốc giảm đau:  Khi khớp bị đau nhức, nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự chẩn đoán bệnh và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch). Tránh áp dụng các phương cách điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng cứ nghiên cứu khoa học rõ ràng.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo 

1. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

2. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

3. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.


 4. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

 5. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

 6. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời

Nguyễn Hòa (tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn