Cuối tuần trước, Brexit xuất hiện cuốn đi hơn 3.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là ít ảnh hưởng bởi Brexit nên chỉ số VN-Index nhanh chóng phục hồi giúp các tỷ phú Việt Nam duy trì được tài sản của mình.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup gây ấn tượng khi khối tài sản của ông lập kỷ lục mới. Kết quả này có được là do cổ phiếu VIC tăng đáng kể và đạt mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết.
Chốt phiên giao dịch 1/7, VIC dừng ở mức 51.000 đồng/CP sau khi tăng 4.200 đồng/CP. Nhờ đà tăng này của VIC, chỉ trong 1 tuần, khối tài sản khổng lồ của ông Vượng tăng 2.482 tỷ đồng lên 30.141 tỷ đồng (tương đương 1,34 tỷ USD).
Ông Vượng vẫn vững vàng ở ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Với khối tài sản khổng lồ kể trên, ông Vượng giàu vượt trội so với người đứng thứ hai là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Hiện tại, ông Long đang có 7.336 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm nay, theo công bố của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD, đứng vị trí 1.011 trên tổng số 1.810 tỷ phú thế giới, tăng 107 bậc so với xếp hạng năm 2015. Ông Vượng là người Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách của Forbes.
Không chỉ tài sản của ông Vượng lập kỷ lục mới, các đại gia Vingroup đều được chứng kiến sự bứt phá về tài khoản. Nhờ VIC, bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, vợ ông Vượng có thêm 428 tỷ đồng. Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup có thêm 286 tỷ đồng.
Trong tuần, Formosa Hà Tĩnh gây chấn động vì nhận trách nhiệm về cá chết hàng loạt ở miền Trung và phải bồi thường 500 triệu USD. Tuy nhiên, thông tin này không ảnh hưởng tới cổ phiếu ngành thép. Ngược lại, cổ phiếu ngành thép vẫn đi lên đáng kể.
Chốt tuần, HPG dừng ở mức 39.800 đồng/CP sau khi tăng 1.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát tăng 733 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát được hưởng lợi nhiều nhất. Tài sản của ông Long tăng 184 tỷ đồng lên 7.336 tỷ đồng.
Lợi ích của ông Long còn nhiều hơn nữa nếu tính cả số lượng cổ phiếu mà bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ. Trong tuần, lượng cổ phiếu của bà Hiền tăng 53 tỷ đồng lên 2.125 tỷ đồng. Bà Hiền vẫn vững vàng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bứt phá mạnh hơn một chút, một cổ phiếu ngành thép khác là HSG tăng 3.200 đồng/CP lên 42.000 đồng/CP. HSG giúp ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có thêm 54,4 tỷ đồng.
Suốt thời gian qua, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động gây chú ý khi bứt phá mạnh. Tuy nhiên, trong tuần này, đà tăng đã chững lại, MWG chỉ có thêm 1.000 đồng/CP và dừng ở mức 123.000 đồng/CP.
MWG tăng nhẹ nên tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động chỉ có thêm 3,7 tỷ đồng.
Trong khi MWG hạ nhiệt, cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn lại tăng tốc. Sau 5 phiên giao dịch, VHC tăng 5.500 đồng/CP lên 47.400 đồng/CP. VHC mang về cho bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty số tiền 251 tỷ đồng.
Giao dịch không quá ấn tượng nhưng FPT vẫn tăng 1.000 đồng/CP lên 41.900 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần FPT tăng 459 tỷ đồng lên 19.247 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty được chứng kiến khối tài sản gia tăng mạnh nhất.
Tuần này, ông Bình có thêm 32,6 tỷ đồng. Với khối tài sản trị giá 1.365 tỷ đồng, ông Bình đứng ở vị trí 14 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bình luận