• Zalo

Mắc kẹt sau cơn sốt đất điên cuồng, nhà đầu tư bán nhà, ở trọ, còng lưng trả nợ

Bất động sảnThứ Tư, 13/07/2022 06:25:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau khi cơn sốt đất nguội đi, không ít nhà đầu tư phải bán nhà đi ở trọ để có tiền trả nợ ngân hàng.

Cuối năm 2021, với số tiền nhàn rỗi hơn 2 tỷ đồng, anh Trần Minh Quân (Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định xuống tiền mua mảnh đất vườn rộng 800 m2 (trong đó có 40m2 đất thổ cư) với giá gần 4 tỷ đồng ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất.

Để mua được mảnh đất này, anh Quân phải vay ngân hàng và bạn bè hơn 1 tỷ đồng. Những tưởng mảnh đất sẽ được bán sang tay nhanh chóng để anh thu hồi vốn trả nợ và có thêm khoản tiền lãi nhằm tích luỹ, nhưng thị trường đất ven đô bất ngờ trầm lắng sau cơn sốt khiến lô đất của anh Quân rao bán hơn nửa năm vẫn chưa có khách mua.

Anh Quân cho biết, bạn bè anh hồi đầu năm 2021 mua đất ở đây rất nhiều, ai cũng trúng lớn, có người mua tuần trước, bán tuần sau đã lời vài ba trăm triệu đồng.

Mắc kẹt sau cơn sốt đất điên cuồng, nhà đầu tư bán nhà, ở trọ, còng lưng trả nợ - 1

Khi cơn sốt đất qua đi, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. (Ảnh minh họa)

Vì chưa có kinh nghiệm đầu tư nhà đất nên thời điểm cơn sốt đầu năm 2021 anh Quân không dám mạo hiểm tham gia. Đến tận cuối năm 2021 khi thấy bạn bè xung quanh ai cũng đổ tiền vào đất và phất lên nhanh chóng, anh Quân mới quyết định đem số tiền tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng đi làm giàu.

Lúc tôi mua, thị trường đất nền ven đô đã có dấu hiệu chững lại, nhưng vì tôi không am hiểu thị trường, nên bị môi giới dẫn dụ xuống tiền. Sau này mới biết đó là lúc rất nhiều nhà đầu tư thoát hàng”, anh Quân buồn rầu chia sẻ.

Cũng theo anh Quân, do áp lực trả nợ nên từ tháng 3 đến nay, anh rao bán lô đất bằng đúng giá lúc mua, nhưng cũng không có người hỏi. Trong khi đó, bạn bè, người thân rất nhiều người có việc cần, nên liên tục đòi tiền khiến anh Quân rất mệt mỏi và không biết xoay đâu ra tiền để trả.

Tôi toàn vay chỗ bạn bè thân thiết nên khi họ đòi không có tiền trả rất ngại và áp lực. Bạn bè từ chỗ yêu quý nhau, cuối cùng giờ thành ra thấy điện thoại gọi là sợ, mất tình cảm bao năm gây dựng. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định bán căn nhà 30m2 đang ở đi để lấy tiền trả nợ. Vậy là cả gia đình 4 người phải đi ở trọ”, anh Quân chia sẻ. 

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, khi lao vào những cơn sốt đất, nhiều người có thể bị đóng băng tài sản, thậm chí mất trắng, kiệt quệ…nếu không xác định được vị trí của mình đang ở đâu trong nhóm các nhà đầu tư. Khi thị trường sốt nóng là đã bắt đầu chứa đựng rủi ro bởi hầu hết bất động sản liên quan đến quy hoạch nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch đều có những thay đổi, điều chỉnh. Chưa kể nhiều tin đồn về quy hoạch xuất phát từ ý đồ đầu cơ. Những người dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro nhất, thậm chí rơi vào phá sản, khánh kiệt vì lãi suất có thể tăng trở lại do nguy cơ lạm phát.

Còn theo các chuyên gia bất động sản, việc chạy theo đám đông vì thông tin quảng cáo hấp dẫn hay sợ bị mất cơ hội thường dễ dẫn đến vỡ mộng, chôn vốn thậm chí khó chuyển nhượng nếu không tìm hiểu kỹ… 

Do đó, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường không nên "nhảy" vào những thị trường đã có giá cả tăng hàng ngày, bước tăng giá lớn trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng đòn bẩy tài chính cũng là một hành động rất rủi ro nếu Nhà nước siết chặt tín dụng hoặc các ngân hàng tăng lãi suất.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn