Anh Peter Howarth, 45 tuổi, người Manchester cho biết, sau một thời gian ngắn từ khi gia đình anh chào đón đứa con thứ 3, Pippa – cô con gái thứ 2 vốn khỏe mạnh đột nhiên có những triệu chứng mệt mỏi và sốt.
Hình ảnh cô bé Pippa chụp cùng anh trai và em trai mới sinh (Ảnh: Huffingtonpost)
Tưởng con chỉ bị cảm lạnh thông thường, vợ chồng anh tự điều trị cho con tại nhà bằng thuốc hạ sốt trong vài ngày nhưng sức khỏe của Pippa vẫn rất kém dù không có các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy…
Cho đến một ngày, vợ anh nhận thấy hơi thở của con gái bất thường, họ mới lập tức gọi xe cứu thương và lúc này, Pippa đã phải dùng mặt nạ oxy để hỗ trợ thở.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cô bé bị viêm phổi và chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Anh Howarth đã ở lại bệnh viện trông con để vợ về nhà chăm sóc đứa con mới sinh bởi không ai nghĩ cô bé sẽ qua đời chỉ sau vài tiếng. Pippa nhập viện vào lúc 7 giờ chiều và cô bé qua đời vào lúc 4 giờ sáng.
Anh Howarth nhớ lại: "Lúc 10 giờ tối, con gái tôi bị chảy nước mắt nhưng vẫn tỉnh táo và vui vẻ. Con bé còn yêu cầu đồ uống màu hồng và những câu chuyện cổ tích. Đến 3 giờ sáng, con bé không ngừng nói những lời vô nghĩa và mất dần cảm giác. Tôi lập tức gọi y tá nhưng họ chỉ đến kiểm tra và không nói gì.
Tôi ngồi lại nắm tay con thêm 30 phút nữa cho đến khi con bé ngừng thở. Tôi bị đẩy ra khỏi phòng, các y bác sĩ lập tức vào phòng cấp cứu. Con bé đã mất trước khi vợ tôi kịp đến đó. Sau khoảng 20 phút, tôi được quay lại phòng nhưng cuộc đời tôi đã thay đổi”.
Anh Howarth tích cực vận động tuyên truyền về căn bệnh nhiễm trùng huyết sau khi con gái qua đời (Ảnh: Huffingtonpost)
Pippa được điều trị viêm phổi, nhưng cô bé đã chết vì nhiễm khuẩn huyết. Anh Howarth chia sẻ, "Tôi chưa từng nghe đến căn bệnh nhiễm khuẩn huyết. Gia đình không có cơ hội để chiến đấu, con bé đã ra đi trước khi tôi có thể làm gì đó. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh.
Căn bệnh nhiễm khuẩn huyết có thể hủy hoại cuộc sống của bạn và khiến bạn không ngừng tự trách bản thân vì để một đứa trẻ phải qua đời. Nhưng căn bệnh này không có các triệu chứng rõ ràng. Do đó khi con có bất kì dấu hiệu không ổn nào, bạn luôn cần tự hỏi “Liệu đó có phải là nhiễm trùng?”
Đặc biệt, anh Howarth nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh: “Tôi không thể quay ngược lại thời gian. Gia đình tôi đã không may mắn khi phải trải qua nỗi đau mất đi Pippa nhưng tôi mong mọi người hãy nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Đặc biệt, hãy nói với con bạn những lời yêu thương và âu yếm chúng thật nhiều khi có thể”.
Video: TP. HCM - Mắc bệnh lạ, cô gái tăng cân liên tục
Bệnh nhiễm trùng huyết là gì?
Nhiễm trùng huyết (Sepsis) còn có tên gọi là nhiễm khuẩn huyết hay ngộ độc máu, là biến chứng phức tạp của tình trạng nhiễm trùng và có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh. Nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết là do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm và tạo ra hàng loạt các thay đổi trong cơ thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhiễm trùng huyết
- Thân nhiệt cao trên 38oC hoặc hạ dưới 36oC
- Nhịp tim nhanh trên 90 nhịp/phút
- Nhịp thở nhanh trên 20 nhịp/phút
- Huyết áp giảm
Đặc biệt, trong trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh nhân có các dấu hiệu:
- Lượng nước tiểu trung bình giảm mạnh
- Tinh thần không tỉnh táo
- Suy giảm tiểu cầu
- Khó thở
- Loạn nhịp tim
- Đau vùng bụng
- Sốc nhiễm trùng
Các dấu hiệu bệnh ở mỗi người không giống nhau, tùy tình trạng sức khỏe và cơ địa. Do đó, khi cảm thấy sức khỏe của con không ổn hay có bất kì nghi ngờ gì về bệnh nhiễm trùng huyết, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ.
Bình luận