Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đang tạm giữ Đào Quang Ngọc (SN 1990, quê ở Thanh Hoá, tạm trú xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) để điều tra hành vi lái xe máy trong lúc say xỉn tông trúng hai vợ chồng đang đi bộ khiến người vợ mang thai mất đi thai nhi 32 tuần tuổi.
Nói về vụ việc đau lòng trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trong vụ việc này, thai phụ ở tháng thứ tám (32 tuần) sảy thai, mất con là một mất mát lớn đối với gia đình thai phụ.
Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình, hậu quả này chưa được xác định là "làm chết người", bởi theo quy định, một cá nhân là một con người cụ thể được xác định từ khi sinh ra cho đến khi chết đi và tồn tại trong một tập thể hoặc trong một cộng đồng xã hội.
"Như vậy, cháu bé chưa được sinh ra thì chưa có vị trí pháp lý. Do đó, việc sảy thai không được xác định là hậu quả "chết người" nên gây tai nạn giao thông làm nạn nhân sảy thai không phải là căn cứ xác định hậu quả nghiêm trọng", luật sư Bình phân tích.
Theo Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do đó cơ quan điều tra sẽ xác định nồng độ cồn của thanh niên này, đồng thời làm rõ hành vi, yếu tố lỗi của thanh niên này đối với vụ tai nạn.
"Hành vi vi phạm của thanh niên này có thể là điều khiển phương tiện khi cơ thể có nồng độ cồn, chở quá số người quy định, là sự thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn.
Để khởi tố, xử lý hình sự đối với thanh niên này thì ngoài việc xem xét xác định yếu tố lỗi của người này, cơ quan chức năng còn làm rõ hậu quả mà vụ tai nạn đã gây ra đối với nạn nhân", luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự thì phải có hậu quả như làm chết người (đã loại trừ), gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
"Cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân, nếu thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì mới đủ căn cứ để xử lý hình sự", luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Ngoài ra, tại trụ sở công an, qua kiểm tra nồng độ cồn phát hiện Ngọc có chỉ số đo là 0,6 mg/lít khí thở. Theo luật sư Bình, với chỉ số đo nồng độ cồn như trên, kể cả khi không gây tai nạn, tài xế cũng có thể bị xử phạt hành chính từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Do đó, nếu hành vi lái xe máy của Ngọc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả sảy thai thì phải bồi thường tổn thất về sức khỏe và tinh thần theo quy định của pháp luật.
Điều 260 quy định tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 -100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm:
Không có GPLX theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 - 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bình luận