• Zalo

Ly kỳ chuyện dùng thuật thôi miên phá án

Thế giớiChủ Nhật, 16/06/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ngoài xóa bỏ các nỗi sợ hãi, giảm cân hay bỏ thuốc lá, ít người biết rằng ở các nước phương Tây, thôi miên còn được dùng điều tra, phá án.

(VTC News) - Ngoài xóa bỏ các nỗi sợ hãi, giảm cân hay bỏ thuốc lá, ít người biết rằng ở các nước phương Tây, thôi miên còn được dùng điều tra, phá án.

Robert McGrath nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ trước mặt khi cô đã ngằm yên vị trên chiếc chế cong vành một cách thoải mái.

Tiếng nhạc bắt đầu cất lên, chạy vòng quanh trong căn phòng đặc biệt hòa cùng giọng nói trầm ấm của Robert: “Trước tiên, bạn hãy tập trung vào hơi thở của mình. Chậm rãi, nhịp nhàng, hãy cảm nhận mọi chuyển động của cơ thể, đặc biệt là cơ hoành”.

Thôi miên hàng chục ngàn người


Sau khi dừng lại một khoảng ngắn, ông tiếp tục đưa đối tượng của mình vào trạng thái mê sảng: “Hãy cảm nhận tất cả mọi tiếng động xung quanh. Tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng của xe cộ ngoài phố và giọng nói của tôi.

Bạn sẽ thấy như cơ thể đang trôi cùng dòng âm thanh, nhẹ nhàng và thoải mái”. Đây chính là nội dung công việc thứ 2 của nhà thôi miên người Mỹ Robert McGrath – giúp cảnh sát điều tra án.

Trong khi Robert tập trung vào công việc và đối tượng, đằng sau tấm kính một chiều, Tony Morelli, thanh tra hình sự của Sở cảnh sát bang Pennsylvania, Mỹ đang chăm chú theo dõi.

thôi miên phá án
Ngoài các khả năng thường thấy, thôi miên còn được cảnh sát sử dụng trong điều tra án - Ảnh minh họa

Mặc dù có hình dáng như một vận động viên thể hình, phù hợp với những màn đánh đấm, đọ súng nhưng Tony đang cố gắng học hỏi cách làm việc của người thầy Robert về thuật thôi miên để có thể sử dụng trong việc phá án sau này.

Trong khi đó, thôi miên đang được xem là một phương pháp điều tra đem lại nhiều hiệu của cho các cơ quan an ninh.

Trước khi chuyển hẳn sang làm thôi miên, Robert đã từng là trung sĩ cảnh sát điều tra hình sự. Ông đã từng có 35 năm tiếp xúc với các đối tượng bằng phương pháp thôi miên. Theo thống kê chưa chính thức, Robert đã thôi miên khoảng 60.000 người, bao gồm cả nhân chứng, nghi phạm, tội phạm của các vụ án hoặc các khách hàng bình thường, tìm đến ông để điều trị các ám ảnh tâm lý.

Ngoài việc thôi miên để tìm ra bằng chứng hay các manh mối điều tra, các khách hàng của Robert thường là những bệnh nhân, người bị ung thư tìm đến ông để làm giảm nỗi sợ hãi, các tay nghiện thuốc được thuyết phục từ bỏ thói quen.

Có những người đến với ông để giảm cân hoặc tìm lại những ký ức đã bị lãng quên trong quá khứ. Đặc biệt, nhiều đối tượng bị hoang tưởng cũng đã được Robert điều trị thành công như một phụ nữ tin rằng người ngoài hành tinh đã cấy vào đầu bà một loại máy giám sát thần kinh.

Đam mê từ thuở thiếu thời

Sinh năm 1929, khi 10 tuổi, trong một lần leo lên căn gác của bà nội, Robert đã tìm thấy một bản sao cũ của cuốn tiểu thuyết ‘Trilby’. Trong đó nói về một phụ nữ trẻ đẹp bị nhạc sĩ có tên Svengali mê, anh ta đào tạo giọng hát và biến cô thành một ca sĩ nổi tiếng.

Tất cả sụp đổ khi nhạc sĩ qua đời, cô gái rơi vào trạng thái mòn mỏi, tuyệt vọng đến chết. Khi đó, Robert đã nghĩ: “Việc ai đó có quyền điều khiển tâm trí người khác thật đáng sợ nhưng rất hấp dẫn và chỉ thuật thôi miên mới có được điều đó”.

Sinh ra trong một gia đình phức tạp, Robert tìm cách trốn tránh bằng gia nhập quân đội khi mới 16 tuổi và đóng quân vài năm ở căn cứ Okinawa của Mỹ. Đây cũng chính là khoảng thời gian ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn nghề nghiệp sau này của ông.

thôi miên phá án
Hàng ngàn người đã bị Robert McGrath thôi miên để giúp cảnh sát phá án - Ảnh minh họa 

Cùng đồng đội trải qua quá nhiều đau thương, khi trở về nhà Robert chọn ngành tâm lý học tại Đại học Bridgeport để theo đuổi, nhằm tìm cách chữa trị những tổn thương tâm hồn cho các cựu binh Mỹ.

Lần thôi miên đầu tiên của Robert là năm ông 19 tuổi và đó là một lần cộng tác với cảnh sát địa phương để điều tra phá án. Trong 15 năm tiếp theo, Robert làm việc tại sở cảnh sát Connecticut, ở đây ông đã từng bước nghiên cứu và áp dụng thôi miên vào công tác khai thác thông tin tội phạm.

Tuy nhiên, phương pháp điều tra này chỉ phát triển rực rỡ khi ông đảm nhận vị trí Trợ lý Chánh thanh tra phụ trách các hoạt động bí mật ở Sở cảnh sát New York, năm 1969.

Từ đó, ông bắt đầu dùng thuật thôi miên để thu thập các chi tiết bổ sung từ nhân chứng, nghi phạm. Thậm chí nhiều trường hợp, thôi miên còn giúp cảnh sát dàn dựng lại được toàn bộ khung cảnh vụ án. Tới năm 1971, ông rời sở cảnh sát, mở một phòng mạch tư với dịch vụ điều trị bằng thôi miên. Tuy nhiên, Robert vẫn tiếp tục hợp tác với các phòng, sở cảnh sát của thành phố New York.

Bên cạnh điều tra phá án và ổn định sức khỏe, Robert còn có đối tượng khách hàng là những người muốn tìm lại ký ức sau những chấn động tâm lý khi còn nhỏ.

Tuy nhiên, đây là một loại thôi miên rất khó, đa số chỉ tìm lại được những phản ứng của cảm xúc chứ không thể nhớ lại chi tiết những gì đã xảy ra.

Chiến công để đời

Một trong những thành công lớn nhất của Robert trong việc đưa thôi miên vào phá án là vào năm 1982. Bobby Joe Leaster khi đó là phạm nhân đang thụ án tù chung thân vì tội giết một người trông kho ở Boston năm 1970.

Luật sư của Bobby đã liên hệ với Robert để thôi miên khách hàng của mình với hi vọng những lời khai trong khi bị thôi miên của Bobby sẽ khiến thẩm phán lật người lại vụ án, thay đổi số phận của anh.

thôi miên phá án
Robert McGrath đã giúp người bị oan thoát khỏi cảnh tù tội nhờ thôi miên - Ảnh minh họa 

Sau khi bị Robert điều khiển trí óc, Bobby đã chứng minh được mình vô tội khi kể lại chi tiết những việc đã làm trong 3 ngày trước, trong và sau vụ án mạng. Kết hợp với những chứng cứ khác, cảnh sát đã đồng ý lật lại cuộc điều tra.

Đến năm 1986, thủ phạm thực sự của vụ giết người bị bắt giữ, thẩm phẩm phán tuyên bố Bobby vô tội và anh được thả sau 15 năm ngồi tù oan.

Robert cho biết, mặc dù đưa thôi miên vào điều tra nhưng nó không quyết định một vụ án. Mọi lời khai của đối tượng trong khi bị thôi miên vẫn phải được xác nhận qua các bằng chứng có thật.

Nguyên nhân là vì dù cho có bị thôi miên thì đôi khi các đối tượng vẫn đưa ra những lời khai giả dối. Ngoài ra, quá trình này còn phụ thuộc vào người thôi miên, kỹ năng đặt câu hỏi của họ sẽ khiến đối tượng tự đưa ra được chi tiết cần thiết mà không cần một câu hỏi trực tiếp.

Giải Nhi (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn