• Zalo

Lý giải vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn

Chuyện bốn phươngChủ Nhật, 04/08/2024 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn và bị dân gian coi là khoảng thời gian con người dễ gặp những điều kém may mắn?

Tháng cô hồ được biết đến là khoảng thời gian "mở cửa âm phủ'. Đây là tháng mang nhiều nghi thức và tập tục để tưởng nhớ những người thân đã khuất, cầu siêu cho linh hồn họ, thể hiện lòng từ bi với những linh hồn không nơi nương tựa, đồng thời cầu cho gia đình được bình an.

Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

Có rất nhiều cách lý giải về điều này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những cách lý giải ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc.

Trả lời Vietnamnet, TS Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn Nhân học - Tôn giáo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết tháng cô hồn kéo dài từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/7 Âm lịch hàng năm. Quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến.

Quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến. (Ảnh: Hoàng Thọ)

TS Lộc lý giải: “Vi Lê Minh – nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, ghi nhận nhiều địa phương ở Trung Quốc gọi tháng 7 Âm lịch là Quỷ tiết và Thi cô. Các cách gọi đó thể hiện thời điểm để mọi người cầu nguyện cúng vái. Niềm tin trên bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân gian Trung Quốc. Lâu dần, dân gian Trung Quốc lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa quan Đại đế quản lý".

Chính vì thế, tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với ngày sinh nhật của Địa quan Đại đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho nhân gian.

Do đó, ngày rằm tháng 7, dân gian Trung Quốc bày hương án cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông, nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn, ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai.

Còn ở Việt Nam, quan niệm dân gian cho rằng, tháng 7 Âm lịch là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Các chùa thiết lập trai đàn chẩn tế, để “tài pháp nhị thí” cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng. 

Tháng 7 Âm lịch cũng là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời. Phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng, quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2024, tháng cô hồn sẽ vắt qua 2 tháng Dương lịch, kéo dài từ ngày 4/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 2/9 (tức 30/7 Âm lịch).

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7. (Ảnh: Viet Linh Dang)

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7. (Ảnh: Viet Linh Dang)

Tháng cô hồn có xui xẻo thật không?

Tên gọi “tháng cô hồn” khiến nhiều người mặc định một cảm giác hơi ghê sợ và sự xui xẻo hiện lên trong tâm trí. Vậy tháng cô hồn có xui xẻo thật không?

Hiện nay nhiều người cho rằng tháng 7 Âm lịch là tháng không may mắn nên phải kiêng kỵ rất nhiều điều, từ công việc đến cuộc sống. Trước khi nói rõ tháng cô hồn có xui xẻo thật không, sự kiêng cữ trong thời gian này có đúng với triết lý Phật giáo hay không, chúng ta cần làm rõ vấn đề: Trong cuộc sống, có ngày xấu, tháng xấu hay không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng cho biết, với nhà Phật, con số nào cũng linh thiêng. Ông nói: “Con số 1 là nhất như, số 2 là âm dương, số 3 là Tam bảo, số 4 là tứ đế, số 5 là ngũ căn ngũ lục, số 6 là lục độ, số 7 là thất Bồ đề Phật, số 8 là Bát chánh đạo… Tôi nghĩ rằng con số nào cũng linh thiêng hết, và ngày nào cũng là ngày tốt hết. Một ngày được gọi là xấu là bởi vì trái tim của mình không được trong sáng mà thôi”.

Cũng theo nhà Phật, luật nhân quả là sự thường hằng muôn đời, và thường xuyên được nhắc thấy, nhìn thấy trong đời sống. Bởi vậy khi mình luôn vui vẻ, hòa ái với mọi người, luôn nghĩ tích cực và làm nhiều việc thiện lành, tránh xa những điều xấu, ác thì sẽ luôn thấy cuộc sống may mắn, thuận lợi. Cho nên, ngày tốt hay xấu, tháng tốt hay xấu thực ra phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta.

Người dân dự lễ Vu lan tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội). (Ảnh: Đắc Huy)

Người dân dự lễ Vu lan tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội). (Ảnh: Đắc Huy)

Đặc biệt với nhà Phật, tháng 7 Âm lịch được coi là “mùa xuân của Phật giáo”. Đây chính là thời điểm sau 3 tháng an cư kiết hạ (chư tăng ni dành trọn thời gian cho việc tu học), chư tăng ni tịnh hóa thân tâm, quay trở về phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời. Ngày rằm tháng Bảy còn là ngày Tết Trung nguyên - tết giữa năm - và theo quan niệm dân gian thì các vong nhân được xá tội, tha thứ lỗi lầm, thoát cảnh giam cầm để về gặp lại người thân. Ý nghĩa ấy hoàn toàn tốt đẹp chứ không mang ý nghĩa xui xẻo.

Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu – là cơ hội để con cái bày tỏ lòng thành kính, tâm hiếu đạo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây là một trong những điều vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng, nhắc nhở làm con cần luôn lấy chữ hiếu làm đầu.

Chính vì thế, tháng cô hồn có xui xẻo thật không đều do tâm thức ta tự suy diễn theo nghĩa đen, rằng liên quan đến phần âm là xui xẻo, mà quên mất rằng sự từ bi, yêu thương chính là sức mạnh để gắn kết, lan tỏa, hóa giải mọi điều trong cuộc sống.

Mỗi người chúng ta nên chọn cách nghĩ tháng Bảy là tháng để bỏ qua mọi hận thù, là tháng mọi oán ghét được dập bỏ để chỉ còn lại những điều may mắn và tốt đẹp cho cuộc sống, để thấy ngày nào, tháng nào cũng là hạnh phúc và bình an.

Nhật Thùy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn