• Zalo

Lương tối thiểu phải bảo vệ nhóm lao động yếu thế

Thời sựThứ Bảy, 05/11/2011 08:16:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế.

(VTC News) – Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương.


Chiều 4/11, Quốc hội nghe trình bày dự án Bộ luật lao động sửa đổi. Về nội dung tiền lương, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, những sửa đổi, bổ sung của dự án luật này dựa trên các nguyên tắc tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường với sự thỏa thuận của các bên.


Tiền lương sẽ được hình thành theo cơ chế thị trường. (Ảnh minh họa) 

Cũng theo bà Chuyền, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động; bình đẳng về tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp; thiết lập cơ chế bảo vệ người lao động thông qua các quy định về cơ chế thương lượng, đối thoại và cơ chế trả lương cho người lao động.


Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, cần tiếp tục bổ sung các quy định để xác định đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước; quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động; định kỳ hướng dẫn, cung cấp thông tin về tiền lương để các bên có cơ sở thỏa thuận, thương lượng nhằm đạt được mức lương hợp lý, công bằng.


Cũng theo bà Mai, nên xem xét việc Nhà nước có thể tiếp tục công bố lương tối thiểu ngành trong một thời gian cần thiết để bảo vệ cho người lao động trong một số ngành, nghề.


"Để bảo vệ cho người lao động tốt hơn, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian, xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay đều có quy định về lương tối thiểu giờ, lương tối thiểu ngày, lương tối thiểu tuần, “cần bổ sung quy định về vấn đề này” – bà Mai đề nghị.

Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn.


“Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý” –  Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nhấn mạnh.

 

Việc tăng thời giờ làm thêm, theo bà Trương Thị Mai, để đáp ứng với thực tiễn, việc này cần được tính toán, cân nhắc hợp lý, giới hạn ngành, nghề và độ tuổi được làm thêm giờ, quy định tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ.

 

Đối với ý kiến đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như tuổi nghỉ hưu của lao động nam, theo bà Mai, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã quy định về vấn đề này chủ yếu do xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh, tuổi thọ ngày càng được nâng lên đã tác động đến cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.


“Chúng tôi cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cũng cần được xem xét, nghiên cứu từ bây giờ để có lộ trình hợp lý cho các nhóm khác nhau” – bà Mai nói.

 

Xem xét việc nghỉ thai sản 6 tháng


Bà Trương Thị Mai nhận định, trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được.


Tuy nhiên, việc tăng thời gian cũng phải quan tâm đến các yếu tố khác như: tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ) để hài hòa lợi ích của cả hai bên.


Có ý kiến cho rằng, nếu mục đích chính là hướng tới trẻ em thì không nên phân biệt thời gian nghỉ như quy định của dự thảo là 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường và 6 tháng đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà nên thống nhất chế độ nghỉ 6 tháng như nhau.


“Nên quy định linh hoạt đối với vấn đề này để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình” – bà Mai đề nghị.

 

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn