Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) khiến dư luận sốc khi lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đã có nhiều sai phạm gây ra khoản lỗ khủng này.
Mặc dù những sai phạm cụ thể chưa được chỉ ra rõ ràng nhưng một trong những vấn đề dư luận chú ý đó chính là mức lương cao ngất ngưởng của dàn sếp PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Và khi ông Thanh rút lui, mức thu nhập này giảm mạnh.
Lương cao vút thời Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh có khoảng thời gian rất dài nắm giữ các chức vụ cao tại PVC. Từ T11/2007 – T2/2009, ông Thanh là Phó Bí thư Đảng uỷ, Uỷ viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVC. Từ tháng 2/2009 tới tháng 5/2013, ông Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Thu nhập của ban Tổng giám đốc PVC tăng gần gấp 3 lần so với năm 2008 và đạt 6,15 tỷ đồng. Bình quân, mỗi lãnh đạo trong ban Tổng giám đốc nhận lương 769 triệu đồng/người/năm, tương ứng 96,1 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, năm 2009 thu nhập bình quân của người lao động PVC chỉ là 6,3 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm đó, PVC đặt mục tiêu tăng lương cho người lao động từ 2011 đến 2015 là 9,1 triệu, 10,7 triệu, 12,1 triệu, 13,6 triệu và 15 triệu đồng/tháng.
2010 là năm PVC rất “chịu chơi”. Trong khi dàn sếp vẫn được giữ nguyên, PVC tăng mạnh quỹ lương từ 6,15 tỷ đồng lên 10,27 tỷ đồng cho đội ngũ ban giám đốc. Vì vậy, những lãnh đạo này nhận bình quân 1,28 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 107 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, thu nhập của người lao động được cải thiện mạnh, đạt 10 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn chỉ bằng 10% thu nhập của sếp.
Sang năm 2011, PVC bắt đầu ngấm khó khăn. Quỹ lương cho lãnh đạo giảm nhưng do PVC cắt giảm 1 vị trí lãnh đạo nên tính bình quân, mỗi nhân sự vẫn được tăng lương. Ban Tổng giám đốc nhận 9,14 tỷ đồng, bình quân mỗi người nhận 1,3 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 109 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, thu nhập người lao động giảm xuống còn 8,95 triệu đồng/người/tháng.
Sang năm 2012, khi khoản lỗ khủng của PVC được hé lộ khiến cổ đông choáng váng, ông Trịnh Xuân Thanh không dám đồng ý mức lương cao ngất ngưởng cho lãnh đạo nữa. Tuy nhiên, do PVC công bố quỹ lương chung cho cả Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc nên không rõ thu nhập lãnh đạo Ban Tổng giám đốc tăng hay giảm.
Cả Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc chỉ còn được nhận 5,6 tỷ đồng. Bình quân, mỗi người nhận 509 triệu đồng/người/năm, tương ứng 42,2 triệu đồng/người/tháng.
Giảm dần đều
2012 là năm đánh dấu nhiều biến động tại PVC. 2012 là năm “mở màn” cho chuỗi năm lỗ khủng của ông lớn dầu khí này. Sang năm 2013, khoản lổ khủng tại PVC đạt kỷ lục mới 2.228 tỷ đồng. Đó cũng là khoảng thời gian ông Trịnh Xuân Thanh rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Đi cùng với nhiều biến động sự thay đổi về quỹ lương. Trong năm năm 2013, thu nhập của ban tổng giám đốc PVC tụt xuống còn 5,2 tỷ đồng. Bình quân, mỗi người nhận khoảng 651 triệu đồng/năm, tương ứng mức thu nhập hàng tháng là 54 triệu đồng.
Sang 2014, sau khi trải qua 2 năm tồi tệ với mức lỗ lũy kế lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, PVC buộc phải cắt giảm mạnh quỹ lương. Thu nhập của ban Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị chỉ còn 3,8 tỷ đồng. Bình quân, mỗi người nhận 345,45 triệu đồng/người/năm, tương ứng 28,8 triệu đồng/người/tháng. Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với thu nhập của 1 nhân viên tại ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.
Không chỉ lãnh đạo bị cắt giảm lương, người lao động PVC cũng phải gánh chịu hậu quả của những khoản thua lỗ mà ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận gây ra. Thu nhập bình quân người lao động PVC chỉ còn 6,885 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, kế hoạch mà PVC đặt ra trong năm 2009 là mỗi nhân viên PVC sẽ nhận 13,6 triệu đồng/người/tháng.
Tới 20155, PVC không công bố thu nhập của Ban Tổng giám đốc. Đại hội đồng cổ đông PVC chỉ cho biết tổng thù lao của Hội đồng quản trị trong năm là 2,92 tỷ đồng. Như vậy, trung bình, mỗi sếp PVC nhận 730 triệu đồng/người/năm, tương ứng 60,8 triệu đồng/người/tháng. Có vẻ, lãnh đạo PVC được tăng lương trở lại từ năm 2015.
Bình luận