Nhân viên chăm sóc khách hàng kiêm nghề bán mỹ phẩm, chuyên viên tín dụng mở quán sinh tố, trưởng phòng thẻ ATM dạy thêm công nghệ thông tin ban đêm để cải thiện thu nhập trong thời buổi lương thưởng giảm.
Đảm nhận công việc trực tổng đài tại một ngân hàng ở quận 3, TP HCM đã 2 năm nay, thu nhập của chị Anh vẫn giữ nguyên 4,5 triệu đồng một tháng. 8 giờ làm việc trong ngày của chị là nhận thắc mắc từ khách hàng và trả lời, giải đáp cặn kẽ về các dịch vụ hay sản phẩm mà khách chưa rõ.
Từ năm ngoái, sếp của chị mấy lần hứa "sẽ xem xét điều chỉnh lương thưởng của anh chị em trong phòng" nhưng tới nay điều đó chưa thành hiện thực. Chị xoay sở khá chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền và nuôi con nhỏ mới một tuổi.
"Tôi có dò hỏi đồng nghiệp ở các nhà băng khác, đa phần cũng trong tình trạng khó khăn khi nơi đâu cũng có mục tiêu cắt giảm tối đa mọi chi phí. Chắt lọc nhân sự hiện nay được giới ngân hàng đặt lên hàng đầu", chị kể. Không dám mạo hiểm nhảy việc thời điểm này, chị nghĩ cách kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập.
Hai tháng nay, nhờ bạn bè giới thiệu, chị làm cộng tác viên cho một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc, hưởng hoa hồng trên doanh số bán ra. Nhờ đó, mỗi tháng, chị có thêm khoảng 1,5 triệu đồng. "Những kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình tư vấn giúp tôi rất nhiều khi bán các mỹ phẩm làm đẹp", chị chia sẻ.
Thu nhập của ông xã làm bên xây dựng mấy tháng nay thất thường nên chị chi tiêu dè sẻn hơn, chỉ sắm sửa những thứ thật cần thiết và hai vợ chồng không la cà quán xá nhiều như trước. Đồng nghiệp của chị ở các ngân hàng khác, người thì chủ động nghỉ việc hoặc bị ép nghỉ phép luân phiên như một cách cắt giảm thu nhập, nhân sự.Nhiều nhân viên tìm thêm công việc khác để tăng thu nhập. Ảnh: Phương Nga
Nhớ lại thời kỳ tiền bạc rủng rỉnh vào năm 2009, anh Long, chuyên viên tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần ở quận 11, không khỏi tiếc nuối. Lương tháng của anh giảm 30% so với 2 năm trước, khoản thưởng theo quý mất hút và cũng không còn chuyện thưởng 6-7 tháng lương vào dịp Tết. Anh vừa phải tính toán lại chi tiêu cho hợp lý hơn, đồng thời nghĩ cách bù đắp vào khoản thiếu hụt do giảm lương thưởng.
Quán sinh tố sát vỉa hè ở quận 11 của anh và hai người bạn ra đời khoảng một tháng nay. Sau khi trừ tiền thuê mặt bằng khoảng một triệu đồng một tháng, cộng với các chi phí phát sinh khác, quán của anh mới tạm hòa vốn nhưng dự báo sẽ có lãi từ tháng sau.
"Tôi giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp đến ủng hộ và sẽ điều chỉnh khẩu vị dần cho phù hợp với mọi người hơn. Ngoài ra, nhờ giá bán bình dân không quá 20.000 đồng một ly nên quán thu hút khá nhiều các cặp đôi mỗi buổi tối", anh tiết lộ.
Nhiều bạn bè chuyển sang làm ở các công ty chuyên về dịch vụ tài chính, bảo hiểm đã thuyết phục anh làm cùng vì mức lương cao hơn ngân hàng. Nhưng trở ngại của anh là không có sẵn mối quan hệ với các khách hàng doanh nghiệp nên vẫn bám trụ ở đây.
Thu nhập của anh Nhất, 40 tuổi, trưởng phòng thẻ ATM tại hội sở chính một ngân hàng quận 1 cũng suy giảm theo thời gian, từ 25 triệu đồng một tháng cách đây 4 năm, nay hạ xuống 10 triệu đồng. Đơn vị chỉ trả 75% tiền lương và phần còn lại tùy thuộc doanh số cuối tháng.
Trong 2 năm nay, anh không được hưởng chế độ nghỉ mát, khám y tế thường niên và thưởng cuối năm. Bộ phận của anh có tổng cộng 27 người nhưng giờ còn 13 nhân viên, trong số đó có nhiều người bị điều sang bộ phận bán hàng các gói sản phẩm mới.
Lương, thưởng chỉ giảm mà không tăng, cộng với áp lực tái cấu trúc nhân sự ở các phòng ban buộc anh phải nỗ lực hơn nữa với công việc chuyên môn. Anh cũng đang dạy thêm ở một trường cao đẳng về chuyên ngành công nghệ thông tin và tìm kiếm khách hàng cho công ty phần mềm để có thêm hoa hồng. Cách đây 2 tháng, anh nộp hồ sơ vào hai ngân hàng khác nhưng tới giờ chưa có hồi âm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, ngân hàng là một trong những ngành mất cân đối cung cầu nhiều nhất khi luôn phải đối mặt với tình trạng vừa thừa vừa thiếu.
Thực tế vẫn có nhiều nhà băng rất cần người nhưng một lượng lớn sinh viên, người thất nghiệp không cách nào bước vào cánh cửa này vì năng lực hạn chế. Thêm vào đó, ngành này đối mặt với việc cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc nên chuyện giảm thu nhập là khó tránh.
Tuy nhiên, tài chính - ngân hàng là ngành chủ lực của nền kinh tế nên sẽ từng bước hồi phục. Hiện nay, ngành này trong quá trình sàng lọc nhân sự nên cuộc chiến giành được một suất trong ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn. Và đây không còn là lĩnh vực có thu nhập quá cao như cách đây 5 năm nữa.
Đại diện một trang mạng tuyển dụng ở quận Bình Thạnh cho hay, nhu cầu tìm việc của người lao động ngành ngân hàng trong tháng qua tăng tới 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng giảm 15% so với tháng trước và hạ đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê trong 30 ngày gần đây của một website tuyển dụng trực tuyến ở quận Tân Phú, có 35 người lao động nộp hồ sơ vào các vị trí trong ngân hàng, nhưng chỉ có một đơn vị cần tuyển duy nhất một vị trí.
Theo Thanh Thanh/Vnexpress
Bình luận