Không phải ngẫu nhiên đơn thuốc mà hầu hết các CLB áp dụng để “tự cứu lấy mình” chính là giải pháp cắt giảm lương. Bởi trong 10 năm qua, sự phi lý đã lộ rõ qua đồng lương cầu thủ.
Tăng hơn 500% trong 10 năm
Tháng 3/2002, ông Lê Hùng Dũng - khi còn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao Đông Á - công bố quyết định chuyển giao đội Công An TP.HCM cho Ngân hàng Đông Á, ông cũng công bố luôn mức lương của một số thành viên chủ chốt như Giám đốc điều hành CLB Hoàng Trọng Thanh hưởng lương 12 triệu/tháng, HLV Trưởng Nguyễn Đạt Hùng 12 triệu/tháng… Đặc biệt, Lê Huỳnh Đức nhận lương 15 triệu/tháng (chưa kể thưởng), gấp đôi mức trung bình của cầu thủ trụ cột khác trong đội.
Bong bóng V.League đã vỡ, các cầu thủ phải trở về với đúng giá trị của mình (Ảnh: Quang Minh) |
Tất cả ngỡ ngàng ví đó chính xác là một kỷ lục đối với cầu thủ nội. Nếu căn cứ vào giá vàng thời điểm ấy, khoảng 5,4 triệu/lượng thì phần “cứng” của Huỳnh Đức gần đủ mua…3 lượng vàng mỗi tháng. Nhưng nếu quy ra USD thì cũng chỉ tròm trèm 1000USD. Nói là mức kỷ lục với cầu thủ nội chứ không thể so với một kỷ lục khác, cùng thời điểm là trường hợp Kiatisak với khoản lương 15.000USD mỗi tháng mà bầu Đức đã chi.
Một trong những lý do lương cao để chống… tiêu cực. Nói như lãnh đạo Công ty cổ phần thế thao Đông Á thì: "Thu nhập thấp thì khó lòng cưỡng lại được những cám dỗ tiền bạc từ bên ngoài”.
Thậm chí thời điểm ấy, Huỳnh Đức còn được hứa hẹn là sẽ có mức lương 25 triệu/tháng trong tương lai.
Một cầu thủ qua thời đỉnh cao như Huỳnh Đức cho tới năm 2004 vẫn giữ được giá khi anh chuyển về Đà Nẵng với mức lương không vượt trội nhưng vẫn là kỷ lục khi đó: 19 triệu/tháng. Làm sao một cầu thủ 33 tuổi, sắp giải nghệ lại được trả nhiều đến vậy? Thời gian đã chứng minh khoản đầu tư của Đà Nẵng vào Huỳnh Đức đã mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho đội bóng xứ Hàn với hai chức vô địch (2009 và 2012).
Đời sống kinh tế xã hội ghi nhận, ngoài giá chứng khoán và nhà đất từng được thổi lên rất cao so với thực tế và đang “nằm chết dí” thì trong vòng 10 năm qua, vàng vẫn là thứ có mức độ tăng ổn định một cách “chóng mặt” hơn cả.
Năm 2012 khi Huỳnh Đức có thể mua gần 3 cây vàng với tháng lương của mình thì một lượng là 5,4 triệu. Mười năm sau, giá một lượng (cây) vàng rơi vào khoảng 46 triệu/lượng, tức là tăng tới 8,5 lần, tương đương với 850%.
Mức tăng như vậy thì chỉ có một thứ mới so sánh được với vàng: đó là lương cầu thủ.
Mức tăng trung bình từ 6-7 triệu/tháng (thời điểm 2002) đã lên trung bình là 25 triệu đối với các cầu thủ chơi ở V.League.
Nhưng tăng khủng khiếp vẫn là mức lương trần. Năm 2008, thủ môn Dương Hồng Sơn cập bến HN T&T với mức chuyển nhượng gần 1,8 tỷ (cũng là kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ nội khi đó), cầu thủ này cũng xác lập mức lương kỷ lục: 33 triệu/tháng. Đây cũng là năm mà lương cầu thủ “bỗng nhiên tăng vọt”, chẳng hạn một cầu thủ thuộc loại trung bình như Cao Xuân Thắng cũng được V.Ninh Bình trả tới 31 triệu/tháng.
Và sau đó là những cuộc leo thang về lương trần 40 triệu (chưa tính thưởng) của Công Vinh khi về HN T&T, 60 triệu/tháng Xuân Thành trả cho Phước Tứ, 65 triệu/tháng mà Quang Hải được N.Sài Gòn và Công Vinh dù không có con số chính thức cũng được cho là nhận không dưới 70 triệu/tháng từ CLB bóng đá Hà Nội, trước khi ông chủ đội bóng này vào vòng lao lý.
Lương tối thiểu cầu thủ gấp 5 lần lương tối thiểu vùng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng 1 sẽ được tăng 350 ngàn, đạt mức 2,35 triệu. Quy định áp dụng từ 1/1/2013 tới đây.
Và dù tăng như thế thì mức lương tối thiểu ấy vẫn tương đương 1/5 mức lương tối thiểu mà VFF quy định cho các CLB khi ký kết hợp đồng. Hay nói cách khác, lương tối thiểu của cầu thủ 10 triệu và mức trung bình khi kết thúc V.League 2012 dao động từ 23 đến 25 triệu/tháng.
Bảng so sánh thống kê mức bạo tăng tiền lương của cầu thủ Việt Nam trong 10 năm qua! |
Nếu áp dụng mức trung bình này vào thu nhập bình quân đầu người thì sự “tăng trưởng” cũng rất tương đồng. Năm 2002, khi thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Việt Nam tương đương 640 ngàn/tháng thì thi nhập trung bình cầu thủ gấp 11 lần. Giờ đây, sau 18 năm, khi thu nhập bình quân đã tương đương 2,3 triệu/tháng thì lương cầu thủ cũng gấp 11 lần.
Câu hỏi là liệu một cầu thủ có mức lương cao gấp 12 lần lương công nhân, gấp 10 lần lương tối thiểu của công chức vùng 1 có phải là chênh lệch phi lý.
Ngay cả khi bóng đá là một nghề nghiệp đặc thù thì người ta cũng không thể định nghĩa được giá trị cầu thủ ở đâu khi họ được trả cao đến như vậy, chưa tính những khoản lót tay nhiều tỷ đồng.
Nhật Thành(Thể thao 24h)
Bình luận