• Zalo

Lương lo chưa xong, nói gì đến thưởng Tết

Thời sựThứ Tư, 07/12/2011 01:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Năm nay khó khăn, công ty còn đang phải nỗ lực tìm cách lo trả tháng lương thứ 9, 10 cho nhân viên, chứ chưa nói đến chuyện thưởng tết".

(VTC News) - “Tiền thưởng tết năm nay có thể sẽ thấp hơn năm ngoái”, đấy là nhận định của nhiều chủ doanh nghiệp khi đề cập đến vấn đề lương thưởng cho công nhân viên dịp tết, dù phải cả tháng nữa con số cụ thể mới được công bố.

Nhìn nhận về vấn đề thưởng tết, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: “Nhìn lại một năm qua, có rất nhiều biến động đối với doanh nghiệp, so với năm 2010 chắc chắn thưởng tết năm nay sẽ giảm”.

Lo lương trước

Khi đề cập đến vấn đề lương, thưởng tết năm nay, một đại diện ngân hàng GPBank cho biết, hiện nay đang cuối năm nên lượng công việc rất nhiều, phải tập trung để hoàn thành, nên chưa tính tới chuyện thưởng tết được. Vì vậy, cũng chưa thể nói trước được thưởng tết năm nay sẽ tăng hay giảm.

Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Từ khi Công ty cổ phần hoá, lợi nhuận sau thuế sẽ do Đại hội cổ đông quyết định, nếu hoàn thành kế hoạch mới có thưởng. Hiện tại vẫn còn quá sớm để nói tới thưởng tết”.

Trong khi đó, bà Trương Thị Phương, Phó tổng Giám đốc Công ty Dệt 19-5 cho hay: “Năm nay tất cả những khó khăn đều đổ dồn vào doanh nghiệp, hàng hóa ế ẩm, sản phẩm làm ra phải chất vào kho, trong khi lãi suất ngân hàng cao. Vì vậy, hiện tại công ty còn đang phải nỗ lực tìm cách lo trả tháng lương thứ 9 và 10 cho công nhân, chứ chưa nói đến chuyện thưởng tết”.

Năm 2010, với hơn 1.000 công nhân, Công ty Dệt 19-5 thưởng bình quân mỗi người khoảng 1,5 tháng lương. Bà Phương cho biết thêm, dù khó khăn, nhưng năm nay Công ty vẫn phải cố gắng chăm lo tết cho công nhân để giữ chân họ, vì ngành dệt may lương đã thấp, nếu công nhân bỏ đi rất khó tuyển vào.

Thưởng tết và bài toán giữ chân lao động

Nhận định về xu hướng thưởng tết năm nay, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Năm nay chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm 2010, với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp như lãi suất cao, kiểm soát đầu tư công, mới nhất là tăng lương cơ bản khu vực doanh nghiệp trước thời hạn (tăng từ 1/10 vừa qua – PV)”.

Ông Thủy cũng đồng thời cho rằng, dự kiến năm nay sẽ có 9 ngày nghỉ tết, cùng với việc tết Nguyên đán rất gần với tết Dương lịch, nên không loại trừ có doanh nghiệp sẽ vin vào việc chưa đánh giá được kế hoạch năm có hoàn thành hay không để tính đến thưởng.

Theo TS. Điều, năm 2011 có hơn 90% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương, thưởng.

“Đặc biệt, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họ gửi lãi về công ty mẹ để báo lỗ đã từng xảy ra, nhưng vấn đề này hiện nay cũng rất khó kiểm soát. Năm nào chúng tôi cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở căn cứ vào các quy định của thoả ước lao động tập thể, dù khó khăn cũng tìm cách động viên chủ doanh nghiệp chăm lo tết cho người lao động”, ông Thuỷ nói.

Đánh giá về tầm quan trọng của lương, thưởng tết với tâm lý người lao động, Tiến sỹ Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, theo các thống kê năm 2011, có hơn 90% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương, thưởng.

Vào dịp cuối năm cũng là thời điểm các cuộc đình công tăng cao hơn, xu hướng nhảy việc, chuyển việc nhiều hơn, nên doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các chế độ phúc lợi về lương, thưởng cho người lao động sẽ giữ chân được lao động có tay nghề và ngược lại.

Cũng theo TS. Điều, các quy định hiện hành thì không thể bắt doanh nghiệp phải thưởng tết. Nhưng trên thực tế tiền thưởng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là với người lao động. “Các cụ đã từng nói: Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, TS. Điều ví von.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn