Những năm 90 của thế kỷ trước, mì ăn liền Miliket của công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket là một trong những sản phẩm thực phẩm phổ biến nhất Việt Nam. Với giá rẻ, hương vị phù hợp với người Việt, Miliket chiếm tới 90% thị phần.
Thế nhưng, khi thị trường mở cửa, hàng loạt ông lớn ngành thực phẩm như Vina Acecook, Masan,... tung ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Miliket vì thế chìm vào lãng quên và chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên “bản đồ” mì ăn liền.
Thắt lưng buộc bụng
Hiện tại, Miliket chấp nhận thua cuộc trước nhiều ông lớn. Để có thể tồn tại được, Miliket không kỳ vọng đốt phá về doanh thu mà chọn cách thắt lưng buộc bụng. Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket đã thể hiện rõ điều đó.
Theo đó, 2015 là năm công ty đạt tăng trưởng rất tốt về lợi nhuận. Nhưng để có được mức tăng trưởng này, Colusa – Miliket phải mạnh tay cắt giảm các chi phí để bù đắp cho những khoản doanh thu sụt giảm nhẹ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 2015 của Colusa – Miliket đạt 31,14 tỷ đồng, tăng 10,42 tỷ đồng, tương ứng 50,23% so với năm 2014. Lợi nhuận tăng đột biến dù doanh thu giảm nhẹ. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 478,07 tỷ đồng, giảm 9,51 tỷ đồng, tương ứng 2% so với 2014.
Trong năm 2016, Colusa – Miliket cắt giảm mạnh chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 15,69 tỷ đồng, giảm 980 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty chỉ dành ngân sách 73,68 tỷ đồng cho bán hàng. Như vậy, chi phí này giảm 14,11 tỷ đồng, tương ứng 16% so với 2014.
Có thể thấy, cắt giảm chi phí bán hàng mới là bí quyết thành công của Colusa – Miliket. Chỉ tiêu này giảm mạnh nhưng chỉ khiến doanh thu giảm rất nhẹ va đủ sức giúp lợi nhuận tăng vọt.
Colusa – Miliket có một lợi thế chính là không phải chịu áp lực nợ vay. Trong nhiều năm trở lại đây, chi phí lãi vay của công ty là 0 đồng. Nhưng đó đồng thời lại là hạn chế của Colusa – Miliket vì điều đó đồng nghĩa với việc công ty không mở rộng đầu tư. Vì vậy, cơ hội cho Colusa – Miliket bứt phá là rất nhỏ.
Lương bèo bọt
Trong năm 2015, Colusa – Miliket thắt lưng buộc bụng bằng cách cắt giảm mạnh chi phí bán hàng. Bên cạnh đó, công ty duy trì chính sách lương bèo bọt trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong năm 2015, tất cả các thành viên Hội đồng quản trị (bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng quản trị) và Trưởng ban Kiểm soát cùng nhận mức lương “đồng hạng” chỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Hai thành viên Ban Kiểm soát nhận mức lương thấp hơn chỉ là 3 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, năm ngoái, tổng số tiền mà Colusa – Miliket chi cho các lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát chỉ là 429 triệu đồng. Sang năm 2016, công ty có kế hoạch tăng mạnh thù lao cho dàn lãnh đạo này nhưng tổng số tiền công ty chi ra vẫn khá khiêm tốn: 720 triệu đồng.
Colusa – Miliket khiến nhiều người bất ngờ khi dành mức lương cao nhất năm 2016 cho Trưởng ban Kiểm soát chuyên trách. Ông được tăng lương 3 lần lên 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng quản trị tiếp tục nhận lương đồng hạng 7 triệu đồng/tháng như các thành viên Hội đồng quản trị. Như vậy, lương Chủ tịch Colusa – Miliket được tăng 40%.
Mặc dù lãnh đạo Colusa – Miliket không được hưởng lợi nhiều từ lương thưởng nhưng nếu nắm giữ cổ phần của công ty, họ sẽ nhận được lợi ích khá ổn khi công ty chia cổ tức 25%. Như vậy, tất cả các cổ đông Colusa – Miliket sẽ được chia 22,4 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt.
Đây là số tiền không nhỏ khi họp góp tổng 48 tỷ đồng cho công ty. Trước đó, năm 2015, công ty chia cổ tức tỷ lệ 30%.
Dè dặt kế hoạch 2016
Năm 2015, Colusa – Miliket chứng kiến lợi nhuận tăng vọt lên 31,14 tỷ đồng. Nhưng đà tăng này đến từ việc cắt giảm chi phí bán hàng chứ không phải đến từ hiệu quả bán hàng. Vì vậy, năm 2016, Colusa – Miliket khá dè dặt với kế hoạch của mình.
Theo đó, Colusa – Miliket chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2016 đạt 28 tỷ đồng, giảm 3,14 tỷ đồng, tương ứng 10% so với 2015. Sản lượng kỳ vọng của công ty là 18.000 tấn. Một phần công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp là do Colusa – Miliket tăng cường đầu tư.
Theo kế hoạch, công ty đầu tư 10,55 tỷ đồng cho máy móc. Trong đó, máy đóng gói nêm công suất lớn có giá trị lớn nhất khi được mua với 8 tỷ đồng.
Bình luận