• Zalo

Lục Tiểu Linh Đồng: ‘Không có con trai, lấy ai tiếp tục làm hầu vương?’

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 27/02/2016 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Khán giả hâm mộ sốt ruột tự hỏi, liệu Lục Tiểu Linh Đồng có để Hầu kịch của gia tộc họ Chương thất truyền hay không khi ông không có con trai

(VTC News) - Khán giả hâm mộ sốt ruột tự hỏi, liệu Lục Tiểu Linh Đồng có để Hầu kịch của gia tộc thất truyền hay không khi ông không có con trai nối dõi.
Biết bao thế hệ nhớ đến Lục Tiểu Linh Đồng với vai diễn kinh điển Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, 30 năm đã trôi qua, vai diễn Tôn Ngộ Không không chỉ đem lại sự nổi tiếng cho Lục Tiểu Linh Đồng, còn giúp ông khẳng định thêm truyền thống của gia tộc.

Ít ai biết, tính cả Lục Tiểu Linh Đồng, gia tộc họ Chương của ông đã có 4 đời gắn bó với vai diễn Mỹ Hầu Vương này. 
Hình ảnh Tôn Ngộ Không quá đỗi quen thuộc với bao thế hệ khán giả màn ảnh nhỏ
Hình ảnh Tôn Ngộ Không quá đỗi quen thuộc với bao thế hệ khán giả
màn ảnh nhỏ
 
Đầu thế kỷ 20, như đại đa số gia đình khác tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, nhà họ Chương vốn chỉ là một gia đình thuần nông và không liên quan gì đến nghệ thuật.

Chỉ có một điều khác biệt, cứ tới mỗi dịp lễ hội nào đó, ông Chương Đình Xuân (cố nội của Lục Tiểu Linh Đồng) lại đeo mặt nạ lên sân khấu diễn vai khỉ trong các vở kịch truyền thống. Chính những vai diễn đó đã đặt viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà của ‘gia tộc Hầu vương’ sau này. 
Người đã chính thức mở ra con đường nghệ thuật cho họ Chương chính là Chương Ích Sinh – ông nội của Lục Tiểu Linh Đồng. Cũng giống người cha Chương Đình Xuân của mình, Chương Ích Sinh cũng gây ấn tượng mạnh với những vai diễn khỉ bằng sự nhanh nhẹn, hoạt bát và rất có duyên.
Hai cha con Lục Linh Đồng - Lục Tiểu Linh Đồng
Hai cha con Lục Linh Đồng - Lục Tiểu Linh Đồng 
Khác với cha diễn chỉ để mua vui, Chương Ích Sinh mong tài lẻ này có thể giúp mình thoát khỏi cảnh làm nông từ nhiều đời. Thập niên 20, trong tay chỉ có vỏn vẹn 5 đồng mượn từ hàng xóm, Chương Ích Sinh tới Thượng Hải phồn hoa. Khi mới khởi nghiệp, ông diễn kịch tại các con phố ở Thượng Hải.

Sau khi đã tích luỹ được một số tiền nhất định, Ích Sinh tự mình mở ‘Lão áp đại kịch viện’ – đây chính là nơi mà sau này Chương Tông Nghĩa – cha ruột của Lục Tiểu Linh Đồng phát triển sự nghiệp và trở thành ‘Nam Hầu Vương’.
Chương Tông Nghĩa rất ham kịch nghệ, từ nhỏ, ông thường trốn học để đi xem kịch ở những thôn bên cạnh, ấp ủ mơ ước sẽ bái cao nhân làm thầy, tập luyện võ nghệ rồi một ngày bước lên sân khấu, mặc kim giáp và chiến đấu với kẻ thù, thật oai phong lẫm liệt.

Khi đó, anh trai của ông là ‘Thất Linh Đồng’ Chương Tông Tín đã trở thành ‘thần đồng lão sinh’ của Lão áp đại kịch viện.

Thời điểm đó, xã hội không mấy coi trọng những người theo kịch nghệ, vợ chồng Chương Ích Sinh không hề mong muốn cả 2 cậu con trai đều theo nghiệp này, vì vậy, họ không ủng hộ Chương Tông Nghĩa học diễn xuất, hạn chế tối đa cơ hội lên sân khấu của ông.
Nhưng Chương Tông Nghĩa đã biết tận dụng những cơ hội hiếm có để toả sáng, cha mẹ không còn cách nào khác đành gật đầu đồng ý, Chương Tông Nghĩa lấy nghệ danh là 'Lục Linh Đồng’ – dựa theo tên ‘Thất Linh Đồng’ của anh trai Chương Tông Tín.

So với anh trai, Chương Tông Nghĩa để lại những ấn tượng sâu đậm hơn đối với khán giả, đặc biệt là qua vai diễn Tôn Ngộ Không. Để có thể nhập tâm hơn với vai diễn này, thậm chí Tông Nghĩa còn nuôi một con khỉ nhỏ, cả ngày mang nó bên mình, quan sát nhất cử nhất động của con vật để có thể bắt chước chính xác hơn.

Cuối cùng, ông tự mình đứng ra lập ‘Hầu kịch Nam phái’, tồn tại song song với ‘Hầu kịch Bắc phái’ của Lý Vạn Xuân ở Bắc Kinh. Kể từ đó, gia tộc Chương thị được gọi là gia tộc Hầu vương, nổi tiếng khắp nơi.
Chương Tông Nghĩa có tổng cộng 11 người con, ‘Lục Tiểu Linh Đồng’ Chương Kim Lai là con trai út. Ban đầu, Chương Tông Nghĩa không tính truyền nghề cho cậu con trai út bởi ông không nghĩ rằng một Kim Lai yếu ớt, gầy gò, tính cách hướng nội, suốt ngày lẽo đẽo bám theo mẹ ấy lại có khả năng diễn xuất trước đám đông.

Ông đặt nhiều hi vọng vào con trai thứ hai Chương Kim Tinh - nghệ danh là 'Tiểu Lục Linh Đồng'.
Nhưng đáng tiếc, Kim Tinh đã mất vì bệnh bạch cầu khi mới 16 tuổi. Khoảng thời gian nằm viện, Kim Tinh hay kể cho cho cậu em út nghe về Tây Du Ký, những lời anh kể tới giờ vẫn in sâu trong tâm trí của Chương Kim Lai. Lục Tiểu Linh Đồng luôn coi anh là người đầu tiên ‘khai sáng’ con đường nghệ thuật cho mình.
Hình ảnh hiếm hoi về người anh đã mất của Lục Tiểu Linh Đồng.
Hình ảnh hiếm hoi về người anh đã mất của Lục Tiểu Linh Đồng. 

'Tiểu Lục Linh Đồng' Kim Tinh qua đời, để tiếp tục truyền thống của ‘Chương thị hầu kịch’, Chương Tông Nghĩa bắt đầu truyền dạy cho con trai út Chương Kim Lai.

Trong mắt Kim Lai, cha vừa là một diễn viên có tài, vừa là một người cha rất hiền hậu. Ông dạy Kim Lai rằng điều quan trọng nhất không phải là kỹ thuật biểu diễn cứng nhắc, mà là sự kế thừa kết hợp với sự sáng tạo trong vai diễn.

Khi nhận vai trong Tây Du Ký, cha dặn ‘Khi con diễn, đừng để người ta nói rằng đó là con trai của Lục Linh Đồng, hãy tạo ra dấu ấn riêng của Lục Tiểu Linh Đồng’.
Cùng với sự chỉ dạy của cha, những kinh nghiệm tích luỹ trong nhiều năm cùng với những nét riêng của mình, Chương Kim Lai đã tạo ra ‘Tôn Ngộ Không phiên bản Lục Tiểu Linh Đồng’, trở thành truyền nhân xuất sắc của gia tộc họ Chương.
Lục Tiểu Linh Đồng chỉ có một cô con gái duy nhất, cô sinh năm 1991, từng đi du học Canada, hầu như không có chút thông tin nào về ái nữ của Lục Tiểu Linh Đồng, có vẻ như cô không đi theo con đường nghệ thuật như cha mẹ mình.
Lục Tiểu Linh Đồng và cô con gái duy nhất.
Lục Tiểu Linh Đồng và cô con gái duy nhất. 
Từ xưa đến nay, Chương thị có một quy tắc là chỉ truyền nghề cho con trai, không truyền cho con gái, như vậy, Hầu kịch có thể tới đời Lục Tiểu Linh Đồng sẽ thất truyền. Trước vấn đề này, Lục Tiểu Linh Đồng cười nói: ‘Có vẻ khán giả còn sốt ruột hơn tôi nữa. Nhưng tôi không có con trai, lấy ai tiếp tục làm hầu vương bây giờ?’.

Diễn viên gạo cội bày tỏ mong muốn sẽ tìm kiếm được một người kế thừa xứng đáng, không nhất thiết phải là người họ Chương, bởi theo ông ‘Hầu kịch đâu phải của họ Chương chúng tôi, nó thuộc về văn hoá Trung Quốc, thuộc về văn hoá thế giới’, ông quan niệm, sẽ sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai phù hợp, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, màu da.

Hoài An

Bình luận
vtcnews.vn