Lúc này ở VN, hoa hậu 'ăn đứt' siêu sao bóng đá

Thể thaoThứ Hai, 17/09/2012 04:20:00 +07:00

(VTC News)- Đó là chia sẻ của nhà báo Phan Đăng về vấn đề gai góc và nóng bỏng của bóng đá Việt thời gian qua.

(VTC News)- Đó là chia sẻ của nhà báo Phan Đăng về vấn đề gai góc và nóng bỏng của bóng đá Việt thời gian qua: Hình ảnh thần tượng môn thể thao vua trong mắt công chung, người hâm mộ.

Sự kiện Huy Hoàng bị xử phạt vì lái xe gây tai nạn khi say xỉn, bầu Kiên bị bắt vì vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế những ngày qua phần nào làm xấu đi hình ảnh của nền bóng đá Việt. Những ý kiến, tranh luận trái chiều đã nổ ra trên các trang mạng điện tử mà phần nhiều là góc nhìn bi quan.

Ngoài cuộc thi viết "Bóng đá: Tôi yêu& Tôi ghét", VTC News tiếp tục mở thêm một diễn đàn nhằm giúp độc giả có dịp chia sẻ và được giải đáp những khúc mắc, trăn trở về bóng đá nước nhà. Đó chính là cuộc giao lưu trực tuyến "Bóng đá & Văn hóa thần tượng" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà chuyên môn uy tín.

Xin gửi tới quý độc giả phần giao lưu thú vị với nhà báo Phan Đăng, người có nhiều năm gắn bó và đồng hành cùng bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ Việt Nam bây giờ và cả trước kia đều chưa được chuẩn bị đầy đủ tâm lý và nhận thức để trở thành 1 thần tượng thực sự?

Tôi rất thích cách đặt vấn đề của câu hỏi này. Nó làm tôi nhớ đến chuyện người ta đào tạo những cô hoa hậu. Là hoa hậu, những cô này được dạy ăn dạy nói, dạy ứng xử trước đám đông công chúng sao cho mình có thể đạt được một điểm số cao nhất. Nhưng cầu thủ Việt Nam, những ngôi sao sân cỏ Việt Nam thì hoang dại trước vấn đề này.

Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo (Ảnh minh họa).

Phần lớn các cầu thủ ngôi sao bây giờ đều có một xuất thân bần hàn, thiếu thốn. Khi bước chân vào nghiệp bóng, họ thường chỉ được dạy đá bóng một cách thuần túy, chứ không được dạy dỗ về mặt văn hóa ứng xử một cách nghiêm túc, bài bản.

Điều đó cộng với tố chất “nghịch ngợm” thường có ở mọi cầu thủ khiến họ có rất nhiều những ứng xử ngô nghê, mất điểm trong cuộc sống. Như vậy, so với những cô hoa hậu, có thể cầu thủ cũng nổi tiếng một cách tương đương nhưng lại thiệt thòi hơn ở chỗ không được dạy ăn, dạy nói. Và theo tôi, đấy là một điểm yếu trầm trọng trong hệ thống đào tạo cầu thủ ở Việt Nam.

Mới đây, có một số lò đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp chẳng hạn như học viện bóng đá trẻ của Hoàng Anh Gia Lai, nơi mà các cầu thủ được dạy làm người trước khi đá bóng. Nhưng ở ta, những lò đào tạo như thế là hiếm hoi, cá biệt.

Văn Quyến và gần nhất là Huy Hoàng là những người như thế? Họ đáng thương hơn là đáng trách?

Tôi đồng ý. Thực ra, ai cũng biết trong quá trình hình thành tính cách của một con người thì yếu tố bản thể, bản ngã và yếu tố hoàn cảnh môi trường đan xen nhau. Nhưng yếu tố hoàn cảnh luôn có những tác động mạnh mẽ và tạo ra những “dấu ấn” mạnh mẽ.

 

Là hoa hậu, những cô này được dạy ăn dạy nói, dạy ứng xử trước đám đông công chúng sao cho mình có thể đạt được một điểm số cao nhất. Nhưng cầu thủ Việt Nam, những ngôi sao sân cỏ Việt Nam thì hoang dại trước vấn đề này.

Nhà báo Phan Đăng
 
Thế nên, ở trong một hoàn cảnh, môi trường xấu, người ta có thể thấy đa phần những con người xấu và hiếm hoi những cá nhân tốt đẹp, và ngược lại ở trong một hoàn cảnh tốt đẹp, người ta có thể thấy đa phần là cái đẹp mà thôi.

Cụ thể với trường hợp Văn Quyến, tôi nhớ một câu nói của nhà báo Hồng Ngọc rằng: “Từ trên lưng con trâu, Quyến ngồi thẳng sau chiếc vô lăng xế hộp”, mà chưa được hướng đạo rằng cái văn hóa điều khiển con trâu với cái văn hóa của kẻ ngồi sau vô lăng có một khoảng cách rất xa.

Cá nhân tôi cho rằng, nhiều bi kịch của cầu thủ Việt Nam như bi kịch của Văn Quyến, Huy Hoàng, Quốc Vượng, nói một cách hình ảnh chính là hậu quả của những người đã mang “văn hóa cưỡi trâu” để áp dụng vào một nền “văn hóa xế hộp”.

Và lỗi trong việc áp dụng văn hóa lệch lạc này chỉ có một phần nhỏ từ bản thân các cầu thủ, còn phần nhiều đến từ những người uốn nắn, giáo dưỡng cầu thủ ngay từ khi họ còn là một mầm non, và đặc biệt là cái môi trường sinh ra cầu thủ khi họ trưởng thành, khôn lớn.

Người hâm mộ Việt Nam đang quay lưng lại với Bóng đá nước nhà. Có phải vì Bóng đá VN đã quá lâu rồi không có thần tượng?

Đấy cũng là một lý do trong rất nhiều những lý do khác nhau. Trước hết, tôi muốn nói về cách nghiệm sinh thần tượng trong quan điểm của riêng tôi. Hồi mới lớn, tôi đã nghĩ rằng khi mình thần tượng một ai đó thì đấy phải là người đẹp một cách hoàn hảo.

Nhưng càng sống, càng chiêm nghiệm tôi mới thấy rằng chỉ có Thượng đế, hay các thiên thần mới đẹp một cách hoàn hảo như vậy. Cầu thủ cũng như chúng ta thôi, họ là những con người chứ không phải Thượng đế hay thánh thần, nên đòi hỏi một sự hoàn hảo ở họ là một điều không tưởng.

Tôi nghĩ rằng khi ta thần tượng một ai đó, một con người cụ thể nào đó thì có nghĩa ta cũng phải biết chấp nhận những mặt xấu, những mặt chưa hoàn thiện của thần tượng của mình. Vấn đề là, cái mặt xấu ấy bị đẩy tới cấp độ nào, có chấp nhận được không. Ví dụ, xấu tới mức bán rẻ màu cờ sắc áo quốc gia hay sẵn sàng chửi bới phóng viên, sẵn sàng lái xe gây tai nạn trong trạng thái quá chén… thì hơi khó chấp nhận.

Tôi nghĩ rằng, khi nhìn nhận vấn đề như vậy, chúng ta sẽ không quá sốc khi một thần tượng của chúng ta tạo ra một điều không hay nào đó. Và nhìn nhận như vậy chúng ta mới thấy và chia sẻ được được cái phần “đời”, phần “con” vốn tồn tại trong mỗi con người, chứ không riêng gì ở các thần tượng.

Bóng đá Việt nát tan thần tượng (xem tại ĐÂY)

Xu hướng của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang hướng nhiều về vẻ đẹp hình thức, tiếp cận gần hơn với thế giới. Điều đó khiến các cầu thủ VN hiện nay không đủ khả năng và có lẽ không thể trở thành một thần tượng thực sự của thế hệ trẻ VN?

Tôi nghĩ rằng việc trọng hình thức cũng chẳng có gì là sai trái. Vấn đề là phía sau hình thức ấy có phải là một nội tâm, một tâm hồn chống phá lại nó – thứ hình thức ấy hay không.

Còn về việc các tiêu chuẩn của thần tượng, tôi cho rằng chẳng riêng gì bây giờ mà thời nào, ở đâu giới trẻ cũng đặt vấn đề hình thức của thần tượng ra để mà xem xét.

Người hâm mộ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc sụp đổ thần tượng của bản thân chưa?

Người hâm mộ là một khái niệm rộng lớn, chứa trong nó nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần khác nhau.

Tôi nghĩ rằng, với những người hâm mộ mới lớn, chẳng hạn như những bạn trẻ cấp hai, cấp ba thì việc chuẩn bị tâm lý cho sự sụp đổ thần tượng là chưa có. Nhưng đấy cũng là điều bình thường vì tuổi trẻ ở thời đại nào cũng như vậy cả. Tôi nhớ, khi tôi còn học cấp hai, và chỉ tiếp xúc với thế giới cầu thủ qua báo chí và truyền hình.

Sau này, khi tôi biết cầu thủ ấy không đẹp như mình nghĩ thì tôi có đôi chút buồn bã, thất vọng. Nhưng rồi sau này nữa, càng sống càng tiếp xúc với thế giới bóng đá, tôi lại càng ngộ ra rằng việc chấp nhận những mặt xấu (nhưng là cái xấu trong khả năng có thể chấp nhận) là điều cần thiết trong việc nhìn nhận các thần tượng.

Có lẽ không riêng gì tôi, mà tất cả những ai đã tắm mình trong bóng đá Việt Nam đều duy trì một góc độ, một cách nhìn như vậy.

Thần tượng bóng đá và thần tượng xã hội liệu có những cái chung, cái riêng gì trong quan điểm của anh?

Tôi muốn nói một điều rằng, bóng đá Việt Nam đang đi trước so với xã hội Việt Nam. Bằng chứng là nhiều nghi án bóng đá đã bị phanh phui một cách thẳng thừng, và trong những nghi án đó, người phạm lỗi như cầu thủ, trọng tài nhiều khi chỉ nhận hối lộ vài chục triệu mà thôi, trong khi trong xã hội, mức độ phạm tội là ghê gớm, khủng khiếp hơn nhiều.

Một bằng chứng khác cho sự đi trước của bóng đá với xã hội đó là mức lương thưởng của những người tham gia đời sống bóng đá như cầu thủ, HLV cao hơn so với mức lương của nhiều ông giáo sư, tiến sĩ.

Một khi bóng đá đã đi trước xã hội như thế, hãy mong mỏi rằng thần tượng bóng đá cũng sẽ đi trước thần tượng xã hội. Đi trước hiểu theo nghĩa họ ít xấu hơn, và cái xấu nếu có cũng sẽ dễ chấp nhận, cảm thông hơn.

Tôi nói như vậy không phải để bênh vực cái xấu, càng không phải để bênh vực cái xấu trong bóng đá, nhưng thực sự nếu ai đó đã buồn bã về sự sụp đổ thần tượng trong bóng đá một phần thì họ có thể đã hoặc sẽ phải đối diện với sự buồn bã về sự sụp đổ thần tượng trong xã hội lớn gấp cả chục, cả trăm, cả tỉ lần.

 Nhà báo Phan Đăng trả lời những câu hỏi của độc giả.

Theo dõi các trang mạng về bóng đá, em thấy họ toàn giật tít, câu view bằng việc đăng tải các bài báo về đời tư của cầu thủ (như cặp kè người mẫu, hoa hậu, tiệc tùng, xe cộ...) với tần số ngày càng nhiều. Em lo ngại, đến một lúc nào đó, người ta sẽ quan tâm đến các vấn đề ngoài lề này nhiều hơn là yếu tố kỹ thuật, các trận đấu đỉnh cao,.... Theo anh thì nên làm gì để giảm bớt tình trạng này, để các trang mạng về bóng đá không biến thành trang mạng về showbiz?

Theo tôi, bên cạnh những trang mạng như bạn nói, vẫn không thiếu những trang khác, những tờ báo khác đi vào chuyển tải, phản ánh những vẻ đẹp thuần khiết của bóng đá đấy chứ.

Còn về mối lo của bạn, tôi nghĩ không phải quá lo đâu bởi bóng đá trước sau như một vẫn hấp dẫn nhất bởi những vòng lăn của quả bóng, cái vòng lăn mà không ai lường trước được, cái vòng lăn đã tạo nên những hỉ, nộ, ái, ố của một cầu thủ, một sự nghiệp, một cuộc đời. Và chính những cảm giác bóng đá đích thực như thế theo tôi luôn là sự ấn tượng đầu tiên.

Phải sau cái đầu tiên ấy, người ta mới quan tâm những gì thuộc về hậu trường, đời tư của họ. Còn tất nhiên có thể cũng có một bộ phận nào đó chỉ quan tâm đến những vấn đề thuộc về showbiz cầu thủ, nhưng bạn yên tâm là khi cầu thủ ấy chưa thể tạo một danh tiếng trên sân cỏ thì họ cũng khó có thể tạo ra sự quan tâm trong đời sống riêng của mình. Bóng đá trước sau như một vẫn là… bóng đá.

Anh là một fan của MU, có bao giờ anh thấy chạnh long vì độ ‘nhiệt’ của fan MU ở VN bây giờ không thể bì với fan của K-Pop hay các chương trình truyền hình thực tế?

Tôi rất cảm ơn câu hỏi này, vì nó cho tôi có dịp để thanh minh về mình. Không biết là từ đâu, tự bao giờ, rất nhiều người lại nghĩ tôi là fan của MU. Thực ra, trước sau như một, trong trái tim tôi chỉ có một đội bóng duy nhất mà thôi, đó là Công an Hà Nội. Bởi vì tôi đã tiếp xúc, đã sống với một thế hệ các cầu thủ Công an Hà Nội khi còn là một chú bé, và chính họ đã kích thích tình yêu bóng đá, kích thích cái ham muốn được viết được nói về bóng đá trong tôi.

Còn trở lại việc, các fan của MU hay của bất cứ một đội bóng nào khác đều không thể so bì với các fan của K-Pop thì tôi tự hỏi điều đấy đã đúng chưa? Đã có thống kê cụ thể nào như thế chưa, hay chỉ là suy nghĩ cảm tính của một bộ phần người mà thôi.

Hàng ngày, tôi thường đá bóng phủi ở công viên Lê-nin với những bạn đang học cấp 3, hoặc sinh viên đại học, và tôi thấy ở các bạn đó một khát vọng bóng đá, một tình yêu bóng đá rừng rực lửa. Tôi nhớ có một bạn dù rất mê một ban nhạc của Hàn Quốc nhưng cuối cùng đã bỏ không đi xem ban nhạc này trình diễn ở Việt Nam vì hôm ấy là ngày thi đấu của Arsenal – đội bóng mà bạn ấy yêu. Tôi cho rằng dù có bất luận điều gì xảy ra thì bóng đá vẫn tạo ra một sự thổn thức đặc biệt, bất hủ trong trái tim của các fan hâm mộ, bởi bóng đá là vua cơ mà.

 

Ai đó yêu MU, hoặc ai đó ghét MU là chuyện bình thường. Vấn đề là dẫu có tranh cãi biện luận nhau thì vẫn nên tôn trọng nhau, và luôn duy trì sự tranh cãi đó trong tính văn hóa của nó, thay vì buông ra những lời miệt thị, chỉ trích nhau vì những mục đích cá nhân, và những mục tiêu phi quân tử.

Nhà báo Phan Đăng
 
Mạng xã hội đang nổ ra những cuộc khẩu chiến giữa Fan MU và Anti-fan MU, vấn đề dưới góc nhìn của anh là gì?

Xã hội hiện đại tôn trọng quyền tự do yêu ghét. Ví dụ như trong cuộc sống tôi cũng thường công khai nói yêu người này, ghét người kia, và ngược lại.

Tôi cũng thoải mái chấp nhận những sự yêu ghét công khai hướng về phía mình. Trong xã hội này, nếu chúng ta không biết tôn trọng những sự khác biệt thì tôi nghĩ chúng ta khó có thể phát triển. Thành ra, ai đó yêu MU, hoặc ai đó ghét MU cũng là chuyện bình thường. Và khi các bạn bày tỏ sự yêu ghét này, thậm chí tranh cãi, biện luận với nhau thì đấy cũng là một điều bình thường, cần được chấp nhận một cách thoải mái.


Vấn đề là dẫu có tranh cãi biện luận nhau thì vẫn nên tôn trọng nhau, và luôn duy trì sự tranh cãi đó trong tính văn hóa của nó, thay vì buông ra những lời miệt thị, chỉ trích nhau vì những mục đích cá nhân, và những mục tiêu phi quân tử.

Về việc Van Persie chuyển sang MU, Ronaldo ‘buồn’ ở Real, anh có nhận xét gì?

Tiền bạc và sự chung thủy là một mối quan hệ, đề tài gây tranh cãi từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Trong xã hội hiện đại bây giờ, bên cạnh tiền bạc và sự chung thủy, người ta còn luôn đề cao, coi trọng yếu tố luật pháp. Van Persie bỏ Arsenal sang MU có thể là vì tiền, có thể để tìm cơ hội mới, nhưng vì cái gì chăng nữa thì đấy cũng là một cuộc chuyển nhượng đúng luật pháp. Mà đã đúng luật pháp thì không nên lên án.

Tất nhiên, cũng có những cầu thủ mà cả cuộc đời, sự nghiệp chỉ trung chinh trong một màu áo, chẳng hạn như Paolo Maldini của AC Milan một thời.

Những cầu thủ này là tấm gương điển hình, nổi trội về sự chung thủy trong bóng đá nhưng không thể bắt cầu thủ nào cũng phải như Maldini, và bản thân Maldini chắc gì đã là một trường hợp chuẩn mực, một con đường duy nhất để các cầu thủ đi theo tiêu chí chung thủy khác phải noi theo?

Tôi đã và luôn nghĩ rằng một mục đích có thể đạt được bằng nhiều con đường khác nhau. Cũng giống như anh yêu nước theo cách của anh, tôi yêu nước theo cách của tôi, và bắt anh phải yêu nước giống tôi là đại dở, đại vô duyên. Tóm lại, phải chấp nhận những sự khác biệt với mình.

Anh có thể chia sẻ về thần tượng bóng đá hoặc thần tượng xã hội của riêng mình?

Về bóng đá, tôi ngưỡng mộ một vài cầu thủ nhất định, mà rõ nhất là Roberto Baggio của Italia, cầu thủ nổi danh với mái tóc đuôi ngựa một thời. Nhưng chỉ là ngưỡng mộ thôi chứ chưa đến mức thần tượng.

Còn trong xã hội, tôi ngưỡng mộ triết lý sống được thể hiện trong những câu thơ của Xuân Diệu, những câu thơ mà khi đọc nó người ta có cảm giác mình sống sao cho có ý nghĩa hơn với cuộc đời này.

Ban thể thao VTC News

Bình luận
vtcnews.vn