Lục mạch thần kiếm
Lục mạch thần kiếm thực chất không phải là kiếm pháp mà là kiếm khí. Đây là một trong những tuyệt kỹ của nước Đại Lý, chỉ có những đệ tử của Thiên Long Tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này).
Theo Thiên long bát bộ, ngoại trừ người sáng tạo là vua khai quốc của Đại Lý Đoàn Tư Bình, Đoàn Dự là người duy nhất có thể sử dụng trọn vẹn cả 6 mạch kiếm khí. Đoàn Dự rất ghét võ công nhưng anh vô tình luyện thành, trong khi các cao tăng của Thiên Long Tự khổ công tập luyện đều không thành. Sự ảo diệu của Lục mạch thần kiếm quá cao sâu, lại cần nội công cao mới luyện được nên chỉ Đoàn Dự có thêm ngộ tính cao mới làm được.
Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng, rồi dùng Nhất dương chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này gồm: Thiếu trạch kiếm, Thiếu xung kiếm, Quan xung kiếm, Trung xung kiếm, Thương dương kiếm và Thiếu thương kiếm.
Lục mạch thần kiếm còn có thể dùng như một trận pháp gọi là Lục mạch kiếm trận, 6 người chia nhau học 6 mạch kiếm như sáu vị cao tăng của Thiên Long Tự. Tuy nhiên Lục mạch kiếm trận uy lực không cao bằng Lục mạch thần kiếm.
Cố nhà văn Kim Dung từng mô tả, Lục mạch thần kiếm từng được gọi là “Thiên hạ đệ nhất kiếm khí”, nó có thể sánh ngang với Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự nên nhiều cao thủ tìm mọi cách để chiếm đoạt.
Độc cô cửu kiếm
Độc cô cửu kiếm là loại kiếm pháp làm nên tên tuổi của Độc cô cầu Bại. Nhân vật này chưa bao giờ xuất hiện thật sự trong các tiểu thuyết của Kim Dung, mà chỉ xuất hiện qua lời kể của các nhân vật khác về một cao thủ có võ công bất bại.
Độc cô cầu bại nổi tiếng với trình độ kiếm thuật cao siêu, ông tung hoành giang hồ suốt một đời mà không tìm được đối thủ địch nổi mình. Ông cũng chính là người đã tạo ra Độc cô cửu kiếm.
Độc cô cửu kiếm được coi là triết lý đặc sắc của Đạo gia đề cao việc sử dụng kiếm thuật linh hoạt, người luyện kiếm pháp này sẽ trở thành một cao thủ kiếm khách, có thể phá giải hết tất cả võ học trong thiên hạ. Luyện đến cảnh giới cuối cùng có thể dùng bất cứ thứ gì làm kiếm, đạt tới cảnh giới "vô chiêu thắng hữu chiêu".
Với 9 thức chính đại diện cho các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật bao gồm Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức. Người sử Độc cô cửu kiếm có thể từ đó mà chiêm nghiệm ra cách khắc chế toàn bộ võ công trên thế gian.
Chính Dương Quá nói rằng một người luyện thành Độc cô cửu kiếm có thể sử dụng cành trúc cây liễu thay lưỡi kiếm sắc bén là đạt đến cảnh giới cao của bộ kiếm pháp tuyệt đỉnh này. Cảnh giới cao nhất của Độc cô cửu kiếm chính là dùng tay không (kiếm khí) để áp chế các chiêu thức từ đối phương.
Uy lực của nó có thể bao trùm hầu hết mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công. Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.
Đúng như tên gọi, mỗi thức của Độc cô cửu kiếm là khắc tinh của một loại binh khí, chưởng pháp cũng như ám khí. Nhờ uy lực của mình, Độc cô cửu kiếm giúp những người luyện tập môn kiếm pháp này trở thành đại cao thủ bất bại.
Đâu là kiếm pháp mạnh nhất thiên hạ?
Từ những ý trên có thể thấy, Lục mạch thần kiếm yêu cầu người sử dụng có nội công cao và đặc biệt phải là đệ tử của Thiên Long Tư mới học được. Còn Độc cô cửu kiếm chỉ người học lãnh ngộ được kiếm thức là đã có thể đánh bại người khác, nếu ngộ được kiếm ý thì có cơ hội trở thành Độc cô cầu bại thứ hai.
Như vậy, Độc cô cửu kiếm thoát ra khỏi sự hạn hẹp của kiếm thuật, mà trở thành triết lý sống của các cao thủ. Triết lý này đề cao sự tự do, sống và hành động phù hợp với các quy luật tự nhiên, phát huy sự sáng tạo...
Hơn nữa, Độc cô cửu kiếm được Kim Dung mô tả là “không đối thủ”. Như vậy cũng đủ nói lên rằng Độc cô cửu kiếm mới là kiếm pháp lợi hại nhất thiên hạ.
Bình luận