Binh lính và cảnh sát Myanmar đã đột kích một số quận ở Yangon. Lực lượng an ninh nổ súng và bắt giữ ít nhất ba người ở thị trấn Kyauktada, Yangon. Người dân không được biết về nguyên nhân của vụ bắt giữ.
“Họ yêu cầu đưa cha và anh trai tôi đi. Chẳng lẽ không có ai để giúp đỡ chúng tôi sao?”, người nhà của hai người bị bắt hôm 6/3 nói.
Lực lượng an ninh cũng truy bắt một luật sư từng làm việc cho liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, nhưng không thể tìm thấy người này. Theo bài đăng trên mạng xã hội Facebook của ông Sithu Maung, một thành viên của quốc hội bị quân đội giải tán ở Myanmar.
Phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp Myanmar trong ngày 6/3. Truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát sử dụng đạn hơi cay và lựu đạn gây choáng để đàn áp cuộc biểu tình ở quận Sanchaung, Yangon. Hiện chưa có báo cáo về thương vong trong sự kiện này.
Theo hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ở Myanmar, tới nay quân đội nước này bắt giữ hơn 1.500 người liên quan đến các cuộc biểu tình. Hiệp hội này và Liên hợp quốc cho biết có hơn 50 người bị giết trong khi tuần hành.
Các vụ đàn áp biểu tình gây chết người ở Myanmar làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở phương Tây và bị hầu hết các nước dân chủ châu Á lên án. Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng họ ưu tiên sự ổn định và các nước khác không nên can thiệp vào sự kiện này.
Những người biểu tình kêu gọi quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020, các yêu cầu này đều bị bác bỏ. Quân đội Myanmar cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ mới, nhưng chưa công bố thời gian cụ thể.
Bình luận