• Zalo

Luật sư: 'Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam luôn được chú trọng'

Tin nhanh 24hThứ Tư, 09/12/2020 10:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định, việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.

Ngày 10/12, Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam cùng tất cả các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế năm 2020. 

Tại Việt Nam, việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người luôn được thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Trong các văn kiện cũng như nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trả lời PV VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM) khẳng định, trong mỗi giai đoạn của lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của mọi người dân, phát triển toàn diện mọi năng lực vốn có của mỗi cá nhân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

"Việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền tự do tôn giáo trước hết là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi quốc gia", ông Bình nhấn mạnh.

Luật sư: 'Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam luôn được chú trọng' - 1

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM).

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, quyền con người là giá trị mang tính phổ biến chung của nhân loại, là kết quả của quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của tất cả các dân tộc, nhân dân trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) quan điểm đổi mới của Đảng đã làm thay đổi nhận thức về vấn đề thực hiện và bảo vệ quyền con người. Quyền con người đã được hiện thực hóa thành các quy phạm pháp lý cụ thể. Trong đó, quyền con người trong pháp luật hình sự quy định khá rõ nét.

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, viết tắt là BLHS) đã có những sửa đổi, bổ sung kịp thời để thể chế hóa toàn diện các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thực hiện các cam kết quốc tế, bắt nhịp xu hướng thế giới.

Theo luật sư Bình, BLHS đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù theo hướng quy định phạt tiền là hình phạt chính không chỉ đối với người phạm tội ít nghiệm trọng như quy định của BLHS 1999 trước đây mà cả đối với người phạm tội nghiêm trọng.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS 1999 về hình phạt tử hình theo hướng bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế hình phạt tử hình.

"BLHS đã thể hiện rõ nét chính sách nhân đạo của chính sách hình sự nước ta khi bổ sung các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, bổ sung chế định tha tù trước thời hạn và sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích trên cơ sở nguyên tắc bảo vệ quyền con người, bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong phần các tội phạm theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế, dễ tổn thương", luật sư Bình nhận định.

Cũng theo luật sư Bình, BLHS nhấn mạnh tới việc bảo vệ quyền của phụ nữ và người chưa thành niên theo pháp luật hình sự.

Theo đó, BLHS 2015 quy định về việc miễn trừ áp dụng một số hình phạt đối với phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đồng thời có nhiều quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tình dục, quyền tự do hôn nhân để xử lý các hành vi có đối tượng bị xâm hại là phụ nữ ví dụ như Tội mua bán người, Tội tổ chức mang thại hộ vì mục đích thương mại.

Đối với người chưa thanh niên, các quy định của BLHS được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Đồng thời quy định rõ mục đích xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội đó là giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trương Huyền
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp