• Zalo

Luật sư sẽ bào chữa gì cho nghi can giết 6 mạng người ở Bình Phước?

Pháp luậtThứ Hai, 13/07/2015 07:34:00 +07:00Google News

Luật sư chia sẻ về vấn đề bào chữa cho các bị cáo phạm tội danh đặc biệt nghiêm trọng như trong vụ thảm sát tại Bình Phước.

(VTC News) – Luật sư chia sẻ về vấn đề bào chữa cho các bị cáo phạm tội danh đặc biệt nghiêm trọng như trong vụ thảm sát tại Bình Phước.

Trong cuộc họp báo thông tin về vụ án 6 người bị sát hại ở Bình Phước diễn ra chiều 11/7, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện công tác điều tra của ban chuyên án đã tạm thời khép lại ở giai đoạn trinh sát và chuyển vào giai đoạn tố tụng.

Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ 2 nghi can gây ra vụ thảm sát là Nguyễn Hải Dương (SN 1991, thường trú tại ấp Long Hạ, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang; nơi ở hiện tại là 290/10 ấp 1, tổ 2 xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, thường trú ở Phú Nguyên, Phú Riềng, Bình Phước; tạm trú ở Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM).

Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, cơ quan công an đã có đủ căn cứ để khởi tố 2 đối tượng về 2 tội danh Giết người và Cướp tài sản theo đúng tội danh đã khởi tố vụ án.

Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến

Bộ Công an đã giao Công an tỉnh Bình Phước khẩn trương củng cố chứng cứ, hoàn chỉnh hồ sơ để phối hợp với VKSND cùng cấp tiến hành truy tố các bị can.

Cơ quan công an cũng thông báo tới gia đình bị can để thực hiện quyền bào chữa theo luật định.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các tội danh mà các nghi can phạm phải có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Do đó, nếu gia đình bị can, bị cáo không mời luật sư bào chữa thì cơ quan tố tụng cũng sẽ chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề được đặt ra ở đây, đó là với tình tiết gây án dã man, tàn nhẫn, gần như Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến sẽ khó thoát khỏi án tử. Thêm vào đó, hành vi của các nghi phạm đã gây phẫn nộ dư luận.

Vậy khi phiên tòa xét xử các bị cáo diễn ra, luật sư sẽ bào chữa điều gì cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến? Liệu với sự bào chữa của luật sư, Dương và Tiến có thoát được mức án cao nhất?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội.

- Trong vụ án này, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã giết nhiều người một cách dã man. Theo nhiều người nhận định thì 2 đối tượng này gần như không thể thoát khỏi mức án cao nhất là tử hình. Vậy khi phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến diễn ra, các luật sư sẽ bào chữa điều gì cho các bị cáo?

Đây là một câu hỏi rất khó. Trong trường hợp này, luật sư chỉ có cách là bắt đầu từ cuộc sống của các bị cáo để lý giải tại sao bị cáo lại có hành động như vậy.

Nguyên nhân vụ án này có thể bắt nguồn từ việc mâu thuẫn tình cảm giữa Linh – con gái ông Mỹ và Nguyễn Hải Dương. Khi Linh nói lời chia tay thì Dương nảy sinh ý nghĩ trả thù, cướp tài sản.

Trước khi gây án, Dương và Tiến đã có sự chuẩn bị từ trước với việc mua sắm súng, dao, găng tay, dây trói... Như vậy, nếu thường ngày, những người thân, những người thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nhạy cảm, để ý thì có thể phát hiện ra dấu hiệu bất thường và kịp thời ngăn cản.

Căn biệt thự xảy ra vụ án.

Đối với Vũ Văn Tiến, khi nghe Nguyễn Hải Dương rủ đi gây án như vậy thì bản thân Tiến có thể ngăn cản nhưng Tiến lại ủng hộ và cùng Dương gây án.

Bản thân ông Mỹ, thời điểm con gái ông và Dương có mâu thuẫn và chia tay, ông Mỹ có thể có cách ứng xử, khuyên giải Dương một cách hợp lý thì có thể Dương sẽ không có suy nghĩ trả thù man rợ như vậy.

Có thể nói, chính cuộc sống hàng ngày đã tạo nên con người máu lạnh như vậy. Chính những người gần gũi, tiếp xúc với Dương và Tiến hàng ngày, cùng với hoàn cảnh cụ thể đã làm cho Dương và Tiến lựa chọn cách giết người.

Bên cạnh đó, nếu chính các nạn nhân có kỹ năng, phương pháp ứng xử, đối phó tốt, kịp thời, nhanh nhẹn... thì hậu quả có thể không khủng khiếp, đau đớn như vậy.

Ví dụ, cậu bé 14 tuổi bị sát hại đầu tiên, khi ra mở cổng mà phát hiện dấu hiệu bất thường thì có thể la lối lên để người thân cùng biết. Khi các đối tượng vào trong nhà, với hành vi bịt mặt, chèo tường một cách bất ngờ thì bản thân người đầu tiên tiếp xúc với đối tượng phải có sự cảnh giác, phải la lên...

Chỉ có phương pháp bảo vệ như vậy mới có thể làm giảm nỗi đau nỗi đau cho gia đình, người thân của nạn nhân, cho gia đình bị cáo và toàn xã hội.

Điều đó cũng làm giảm nỗi đau của bản thân các bị cáo, giúp các bị cáo cảm thấy mức án mà tòa án đưa ra là phù hợp với hành vi của họ. Ngoài ra không còn có cách bảo vệ nào khác.

- Phương pháp bảo vệ như vậy có giúp các bị cáo được giảm nhẹ hình phạt?

Việc bào chữa của luật sư có thể không làm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến được giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, như tôi đã nói nó sẽ làm giảm nỗi đau của bị cáo, của gia đình bị hại và cả xã hội. Đồng thời điều đó còn mang tính răn đe, giáo dục đối với người khác.

Khi bảo vệ tại phiên tòa, luật sư không phải chỉ bảo vệ cho riêng bị cáo mà còn bảo vệ cho cả thể chế pháp luật Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Video: Nhìn lại toàn bộ tình tiết vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước


- Đối với các vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng như vụ thảm sát 6 người trong một gia đình này, Luật sư có “ngại” tham gia bào chữa cho các bị cáo?

Các luật sư sẽ không ngại. Như đã nói, trách nhiệm của người luật sư là không chỉ bảo vệ cho bị hại mà còn bảo vệ cho cả bị cáo, đặc biệt là bảo vệ cho thể chế pháp luật Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, khách hàng được lựa chọn luật sư nhưng luật sư không được lựa chọn khách hàng.


- Trong vụ án này có cơ hội nào cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến thoát án tử hình hay không?

Trong các vụ trọng án, vẫn có trường hợp bị cáo đáng ra bị áp dụng mức án tử hình nhưng được giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, trường hợp đó thì phải cần rất nhiều yếu tố, bị cáo phải có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, chẳng hạn, trong quá trình điều tra, bị cáo đã có thái độ hợp tác, giúp cơ quan điều tra khám phá ra một vụ án khác. Yếu tố đặc biệt quan trọng là đại diện phía gia đình bị hại phải ủng hộ, đứng ra xin cơ quan chức năng giảm hình phạt cho bị cáo...

Tuy nhiên, trong vụ sát hại 6 người ở Bình Phước, căn cứ vào các tình tiết định khung tại Điều 93 (Tội giết người), Điều 133 Bộ Luật hình sự (Tội cướp tài sản) và Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 Bộ Luật Hình sự thì không có cơ hội giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Nói cách khác, nếu thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí về vụ án tính tới thời điểm này là đúng thì Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến không còn cơ hội thoát án tử hình.

- Xin cảm ơn Luật sư!

 Điều 93 Bộ Luật hình sự: Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn