Chiều 11/7, trả lời VTC News, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc khởi tố ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội "Lừa dối khách hàng" nghĩa là cơ quan điều tra đã bỏ qua trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về những vi phạm của tập đoàn này.
- Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng” vẫn khiến dư luận băn khoăn về việc xác định tội danh, thưa ông?
Tôi đánh giá việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố ông Thản liên quan đến tội “Lừa dối khách hàng” gần như là để làm thỏa mãn, xoa dịu những bức xúc bấy lâu nay liên quan đến hành vi vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh.
Từ trước đến nay, cấu thành của hành vi “lừa dối khách hàng” thường là việc cân, đo, đong, đếm sai để nhằm trục lợi ở hành vi đấy hay như hành vi gắn nhãn mác hàng hóa Việt Nam cho hàng Trung Quốc để lừa dối khách hàng.
Còn hành vi liên quan đến việc xây dựng sai phạm, phá vỡ quy hoạch, xây thêm tầng… để bán cho người dân thì có những quy định cụ thể để điều chỉnh, liên quan đến trật tự xây dựng thuộc lĩnh vực này.
Vì vậy, theo tôi việc khởi tố ông Thản với hành vi lừa dối khách hàng là không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội "Lừa dối khách hàng".
"Lừa dối khách hàng” ở đây được hiểu là những người mua phải các căn hộ như từ nhà trẻ chuyển thành nhà ở, hay là mua phải những căn thêm tầng thì mới gọi là lừa dối. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ xác định ai là người bị hại trong vụ án hình sự này?
Tôi cho rằng việc khởi tố ông Thản về hành vi “Lừa dối khách hàng” là Cơ quan Cảnh sát điều tra đang đẩy toàn bộ vi phạm về phía ông Thản, từ ý chí chủ quan của ông Thản nhằm đưa ra thông tin sai sự thật để trục lợi từ người mua nhà.
Điều này là không đúng, không thỏa mãn mà việc này cần được hiểu là hành vi xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép.
Khi đó, trách nhiệm không chỉ ở phía ông Thản mà còn là trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh kiểm tra…
- Liệu có tình trạng những doanh nghiệp lớn “một tay che trời” như những lời bàn tán của dư luận trong thời gian qua?
Việc khởi tố ông Thản và làm rõ sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh chứng minh rằng pháp luật Việt Nam không có “vùng cấm”. Tức là bất kỳ một doanh nghiệp, một cá nhân nào có những hành vi sai phạm thì đều bị xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý thì cần phải xem xét lại.
Đến nay, khi chứng minh được sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh thì cơ quan chức năng cần làm rõ sai phạm ở những dự án khác bởi không chỉ có mỗi Tập đoàn Mường Thanh sai phạm.
Dư luận mong chờ sau khi khởi tố Tập đoàn Mường Thanh, khởi tố ông Thản và điều tra các hành vi sai phạm này sẽ đụng đến các dự án, lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các dự án sai phạm sẽ đem lại hiệu ứng tích cực về mặt xã hội. Các doanh nghiệp sẽ làm ăn đúng đắn hơn, tránh tình trạng "trảm trước, tấu sau", xây dự án xong rồi mới đi xin giấy phép xây dựng.
- Theo kết luận thanh tra của TP Hà Nội, 9 dự án của Tập đoàn Mường Thanh vi phạm nghiêm trọng quy hoạch và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm này?
Nếu không có sự dung túng, tiếp tay của các cán bộ quản lý xây dựng thì sẽ không bao giờ có vi phạm xảy ra một cách sâu rộng và nghiêm trọng như vậy ở Tập đoàn Mường Thanh.
Luật sư Trần Tuấn Anh
Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu phải xuất phát từ chính chủ đầu tư, tức là Tập đoàn Mường Thanh, từ những người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn này. Bởi vì, rõ ràng Tập đoàn Mường Thanh xin phép một đằng nhưng lại làm một nẻo, làm sai giấy phép, làm sai quy hoạch, thậm chí biến cả đất của Nhà nước thành đất xây dựng căn hộ để bán.
Bên cạnh đó, những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh nếu như không có sự dung túng, tiếp tay của các cán bộ quản lý xây dựng ở địa bàn, địa phương thì sẽ không bao giờ có vi phạm xảy ra một cách sâu rộng và nghiêm trọng như vậy.
-Phải chăng có sự “bảo kê” của chính quyền địa phương từ cấp phường xã đến cấp huyện và thành phố cho những sai phạm tràn lan của tập đoàn Mường Thanh?
Chúng ta cần hiểu “bảo kê” có nghĩa và việc tạo điều kiện cho hành vi sai phạm, sẵn sàng đứng ra hỗ trợ cho hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, theo tôi trong trường hợp này, chưa chứng minh được mối quan hệ giữa Tập đoàn Mường Thanh và các cán bộ chức năng trong vấn đề quản lý xây dựng ở địa phương từ phường đến quận, cho đến thành phố. Vì vậy, chưa thể khẳng định được có việc “bảo kê” ở đây hay không.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy sự thiếu trách nhiệm cũng như có một phần nào đấy sự “bao che” cho sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh. Có những sai phạm từ năm 2012, 2013, có nhiều dự án sai phạm bao nhiêu năm nay và việc sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh được chỉ ra từ năm 2016, 2017. Tuy nhiên đến nay mới khởi tố về hành vi sai phạm của tập đoàn này và ông Thản về những sai phạm có từ trước.
Rõ ràng, nếu không nói là sự bao che, dung túng cho sai phạm thì chắc chắn có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của các cán bộ từ cấp phường, cấp quận đến cấp thành phố cho những sai phạm này của Tập đoàn Mường Thanh.
Mỗi nhà dân, đặt một viên gạch xuống xây dựng, hay chỉnh mái ngói thì cán bộ đã kéo đến để xử lý sai phạm, lập biên bản xử lý vi phạm buộc tháo gỡ. Vậy thì không có lý gì một dự án lớn với nhiều tòa nhà, hàng nghìn căn hộ như vậy mà lại lọt qua được.
- Kết luận của thanh tra TP Hà Nội chỉ ra sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh nhưng chưa thấy chỉ ra trách nhiệm của cơ quan quản lý, thưa ông?
Kết luận của thanh tra TP Hà Nội chỉ ra sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh nhưng chưa chỉ ra trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Khởi tố ông Thản với tội danh “Lừa đảo khách hàng” có nghĩa là Cơ quan điều tra đã tách trách nhiệm của cơ quan quản lý ra và đổ toàn bộ trách nhiệm cho ông Thản. Điều này không đúng.
Ở đây phải là hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch thì khi đó mới gắn được trách nhiệm của cơ quan quản lý vào cũng như việc chứng minh được có sự thông đồng, móc ngoặc giữa cơ quan quản lý, các cá nhân thực thi nhiệm vụ với những người thuộc chủ đầu tư.
Chúng ta có thể xử lý hình sự với các cán bộ này liên quan đến hành vi đồng phạm với chủ đầu tư trong vấn đề để ra sai phạm. Chủ đầu tư phạm tội gì thì những người cấu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư để thực hiện hành vi phạm tội thì đều chịu trách nhệm với tội danh đấy.
Dư luận không trông chờ việc khởi tố ông Thản mà dư luận quan tâm đến việc cơ quan chức năng xử lý sai phạm đến đâu, xử lý các cán bộ để ra các sai phạm đó như thế nào để đem lại niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý.
Khởi tố ông Thản với tội danh “Lừa đảo khách hàng” có nghĩa là Cơ quan điều tra đã tách trách nhiệm của cơ quan quản lý ra và đổ toàn bộ trách nhiệm cho ông Thản.
Luật sư Trần Tuấn Anh
Để chứng minh được sự cấu kết, móc ngoặc giữa chủ đầu tư và cán bộ quản lý là rất khó. Nhưng điều này không có nghĩa là không làm được. Trường hợp này chúng ta có thể không chứng minh được sự cấu kết, chứng minh được sự đồng phạm song chúng ta có thể chứng minh được hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.
Chúng ta có thể có những chế tài về mặt công vụ, nhiệm vụ để xử lý những cán bộ để ra sai phạm trên địa bàn. Nếu chứng minh được mối liên hệ thì sẽ là đồng phạm.
Còn trong trường hợp không chứng minh được sự đồng phạm, tiếp tay, hưởng lợi ích từ sai phạm này thì vẫn có thể xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy là không có cán bộ nào bị xử lý hoặc là xử lý mà không công khai. Điều này làm mất niềm tin ở người dân.
-Nhiều người cho rằng, sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh tồn tại qua nhiều đời lãnh đạo quận, huyện ở thành phố Hà Nội. Giờ đây, các vị này đều đã về hưu thì sẽ bị xử lý thế nào nếu dung túng, tiếp tay cho sai phạm?
Đây là việc thực sự khó. Tư duy nhiệm kỳ và cách làm việc theo nhiệm kỳ của Việt Nam là điều bất cập. Bởi vì có những người đã về hưu, còn có những người trong thời điểm Tập đoàn Mường Thanh sai phạm thì họ giữ chức vụ Chánh Thanh tra hoặc Trường phòng Thanh tra nhưng bây giờ những người này lại giữ chức Phó Chủ tịch quận hoặc Bí thư quận. Do đó, việc xử lý là không dễ.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không xử lý được. Trong thời gian qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bộ phận tư pháp đã xử lý rất nhiều vụ việc đối với những người đã về hưu, thậm chí là tầm Bộ trưởng đương nhiệm vẫn bị xử lý khi chứng minh được sai phạm.
Thời điểm vi phạm là thời điểm người đó đang đương chức, khi họ không còn đương chức nữa thì họ vẫn là một cá nhân và mọi cá nhân sai phạm đều phải xử lý.
Không thể nói việc những người đã về hưu thì không xử lý. Điều này được minh chứng ở việc rất nhiều người dù đã nghỉ hưu song vẫn bị lôi ra xử lý. pháp luật không có “điểm mờ” và không có “vùng cấm”, không có những con người mà pháp luật không thể đụng đến. Ở Việt Nam bây giờ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”, pháp luật cho phép chúng ta làm điều đó.
- Sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh thì nhiều, diễn ra từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có lãnh đạo cấp phường, quận, thành phố nào bị đưa ra xem xét, kiểm điểm, thậm chí là cách chức, thưa ông?
pháp luật Việt Nam chưa có chế tài xử lý cụ thể cho sai phạm của các cá nhân có trách nhiệm khi chứng minh được cán bộ trong thời điểm, trong lĩnh vực mình quan lý để ra sai phạm.
Đây là một thiếu sót mà từ trước đến nay vẫn tồn tại ở nước ta. Do đó, trước hết cần xây dựng được hệ thống, bộ quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm cũng như chế tài xử lý những cán bộ sai phạm. Ví dụ, trong trường hợp để xảy ra sai phạm đối với các công trình cấp 1 thì Chánh Thanh tra phải bị cách chức.
Ở Việt Nam chưa làm được điều này nên mới dẫn đến lúc phát hiện ra sai phạm thì lại “lách” cho cán bộ quản lý bằng cách khởi tố ông Thản về hành vi "Lừa dối khách hàng", đẩy toàn bộ trách nhiệm về phía ông Thản và phía khách hàng, những người mua nhà, trong khi đó lại không gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý vào. Như vậy là không công bằng.
Điều này chưa đạt được sự răn đe cũng như giáo dục chung đối với cán bộ, công chức ở Việt Nam. Nếu xử lý về hành vi phạm trật tự xây dựng hay hành vi vi phạm về quy hoạch thì lúc đó phải lôi những cán bộ phụ trách, có trách nhiệm thanh tra ra để xử lý.
-Vậy có thể nói, chế tài xử lý các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm?
Trong luật có quy định quyền của lãnh đạo, các phòng ban chức năng nhưng chế tài để xử lý khi các cán bộ này buông lỏng quản lý, để ra sai phạm thì tuyệt nhiên lại không thấy. Chúng ta không thấy có một chế tài cụ thể nào cả.
Ví dụ, khi để xảy ra xây dựng sai quy hoạch một công trình cấp một, cấp hai, cấp ba thì chủ tịch phường phải bị xử lý như thế nào? Chủ tịch quận phải cách chức ra sao? Trường phòng Thanh tra phải bị xử lý thế nào? Hiện chưa có các chế tài cụ thể trong xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Video: "Đại gia điếu cày" sẽ đối diện mức án nào?
Có thể do không có chế tài xử lý về mặt công vụ, nhiệm vụ, không chỉ rõ trách nhiệm đối với hành vi thực hiện sai công vụ, nhiệm vụ nên dẫn đến việc cán bộ cứ làm sai, cùng lắm là xử lý, khởi tố đối tượng làm sai là hết.
Ví dụ như trọng vụ việc ông Thản, có rất nhiều cơ quan làm sai, rất nhiều cán bộ có biểu hiện của dung túng, bao che sai phạm, buông lỏng quản lý nhưng cuối cùng khởi tố mình ông Thản.
Không thể hòa cả làng như vậy được, mà dư luận quan tâm đến việc sai phạm như vậy rồi, khắc phục như thế nào và xử lý cán bộ để ra sai phạm ra sao. Không thể đổ tất cả sai phạm này lên đầu ông Thản cũng như lên đầu người dân được.
Những người mua nhà là những người đang chịu thiệt thòi nhất vì sự buông lỏng quản lý của cán bộ nhà nước. Có hàng trăm, hàng nghìn căn hộ trong dự án của Tập đoàn Mường Thanh không được cấp giấy chứng nhận nhà ở.
Rõ ràng, những việc như vậy đang đổ cái khó lên đầu người dân. Lỗi ở đây không phải do người dân mà là do cơ quan quản lý.
- Trong vụ việc này, quyền lợi của những người dân mua nhà của Tập đoàn Mường Thanh cần được bảo vệ ra sao, thưa ông?
Đối với những người đã mua nhà ở các dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh thì việc khởi tố cá nhân ông Thản cũng không ảnh hưởng quá nhiều vì mua nhà là việc người dân mua với pháp nhân, với Tập đoàn Mường Thanh, với các công ty xây dựng, không phải mua bán cá nhân với ông Thản.
Tuy nhiên, trong cuộc Họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội có phát biểu rằng khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với các dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh.
Cá nhân tôi cho rằng, với phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy cái khó, cái thiệt hại về phía người mua nhà, về phía người dân. Điều này là không được bởi việc sai phạm không xuất phát từ những người mua nhà và giờ bắt người mua nhà phải chịu hậu quả của hành vi này là không đúng.
Trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần có biện pháp để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của những người mua nhà ở các dự án. Người dân mua nhà là hợp pháp, không thể để người dân chịu thiệt, gánh lấy hậu quả từ sai phạm của các bộ quản lý được.
Quyền lợi của những người mua nhà cần được bảo vệ. Người dân cũng không cần quá lo lắng bởi trách nhiệm hình sự là của cá nhân ông Thản, không phải trách nhiệm của các công ty xây dựng đứng ra ký các hợp đồng mua bán nhà cho người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận