• Zalo

Luật sư của ông Đinh La Thăng đối đáp cáo buộc của Viện kiểm sát thế nào?

Pháp luậtThứ Hai, 15/01/2018 21:26:00 +07:00Google News

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng kết luận bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo chỉ định thầu, ký hợp đồng và ứng tiền sai quy định như cáo buộc của VKS là không đúng.

Video: Đại diện VKS: Đủ cơ sở buộc tội bị cáo Đinh La Thăng

Chiều 15/1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 thuộc cấp liên quan đến sai phạm của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục diễn ra.

Sau khi nghe đối đáp của đại diện VKS, ông Nguyễn Huy Thiệp - người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng kết luận có sự chỉ đạo chỉ định thầu, ký hợp đồng và ứng tiền sai quy định như cáo buộc phía VKS là không đúng.

Luật sư Thiệp cho rằng với vị trí đứng đầu trong doanh nghiệp, ông Thăng chỉ đạo là đương nhiên. Việc chỉ đạo đúng quy định là một chuyện nhưng việc thực hiện có đúng theo chỉ đạo hay không lại là một vấn đề khác.

Đối với cáo buộc của VKS cho rằng PVC không đủ năng lực nhận thầu, luật sư Thiệp cho rằng điều này không có căn cứ.

dinh-la-thang-4-10370110 5

Bị cáo Đinh La Thăng.

"Các bị cáo có mặt trong dự án này đều xác nhận ở thời điểm đó chỉ có Lilama đủ điều kiện làm tổng thầu. Tuy nhiên, nếu dự án nào cũng để Lilama làm thì sẽ rơi vào trạng thái độc quyền. Mà độc quyền sẽ không thúc đẩy sự cạnh tranh.

Làm sao tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp khác phát triển được. Về mặt chủ trương, chỉ định thầu cho PVC là hoàn toàn không sai", luật sư Thiệp phân tích.

Ở hợp đồng 33, đại diện VKS cho rằng ông Thăng biết chưa có hồ sơ thiết kế nhưng đã cho ký kết hợp đồng.

Đối đáp lại quan điểm này, luật sư Thiệp phân tích: "Dự án này là dự án trọng điểm quốc gia, với áp lực rất lớn nên ông Thăng cũng quyết liệt chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Với dự án cấp bách này, chờ thủ tục lần lượt thì không bao giờ thực hiện nhanh được. Thực hiện đồng thời nhiều vấn đề, nội dung mới đáp ứng được tiến độ.

Phải đạt được hiệu quả trong việc triển khai và thực tế dự án đã đạt được. Điều đó cũng chứng minh rằng sai sót ký kết hợp đồng 33 không liên quan đến ông Thăng".

"Chưa có tài liệu nào chứng minh ông Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp trái pháp luật. Đấy không phải trách nhiệm của người đứng đầu cần quan tâm.

Bản thân ông Đinh La Thăng khi kết luận tại công trường ngày 1/6, ông không biết nội dung của Hợp đồng 33 nên mới cho tạm ứng 10%. Nếu biết sai phạm, sẽ không có chuyện ông cho tạm ứng", luật sư Thiệp nói.

Về vấn đề tạm ứng, luật sư cho rằng nếu đây là tranh chấp dân dự phát sinh giữa 2 doanh nghiệp là đương nhiên. Tuy nhiên, đây là tranh chấp là trách nhiệm hình sự, vì vậy phải tính hậu quả đã xảy ra chứ không phải hậu quả cho tương lai.

Nói về cáo buộc có lợi ích nhóm trong việc chỉ định thầu của VKS, luật sư Thiệp cho rằng: "Với lập luận cho rằng do ông Thuận, ông Thanh do ông Thăng cất nhắc nên PVN mới chỉ định thầu cho PVC là suy đoán thiếu căn cứ.

Có căn cứ nào chứng minh việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ mà do ông Thăng làm, là vì tư lợi cá nhân? Quy trình bổ nhiệm có gì sai?".

Video: Luận tội bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm

"Một cán bộ thấy nhân viên tốt, có năng lực đáp ứng được công việc thì phải tìm mọi cách để đưa về làm việc là hợp tình, hợp lý. Không  có chuyện lợi vì ích nhóm mà ưu ái.

Nếu có, phải có bằng chứng để chứng minh điều này chứ không phải suy đoán để đưa ra cáo buộc cho các bị cáo", luật sư Thiệp khẳng định

Về lời khai của ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng có cuộc gặp gỡ ông Đinh La Thăng trực tiếp chỉ đạo ông này tạm ứng vốn cho PVC, luật sư Thiệp đưa ra bằng chứng: "Thời gian mà ông Sơn khai nhận với cơ quan điều tra là thời gian ông Đinh La Thăng đang đi tiếp xúc cử tri ở Thanh Hóa, có thể xem lại lịch làm việc ở đoàn đại biểu là biết ngay".

 Cũng trong buổi chiều 15/1, luật sư Đào Hữu Đăng - người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cũng đưa ra quan điểm đối đáp lại buộc tội của VKS.

Theo luật sư Đăng,  phần đối đáp của VKS là có nhiều tình tiết chi tiết hơn so với bản luận tội trước đó.

"Về vấn đề đăng kí năng lực của nhà thầu dựa trên tiêu chí nào để đánh giá PVC không đủ năng lực? Phải chăng lấy lý do PVC chưa từng làm dự án, chưa từng làm chủ thầu 1 dự án lớn như vậy để cho rằng không đủ năng lực?", luật sư Đăng đặt liên tiếp 2 câu hỏi.

"Nếu chỉ dựa vào tiêu chí này không có cây cầu Chương Dương. Trước khi không có cây cầu Chương Dương thì doanh nghiệp nào trong nước ta xây dựng được cây cầu như vậy?

Nếu với tiêu chí này đã không có nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu và hàng loạt sự án lớn khác.  Với tiêu chí này, vĩnh viễn Việt Nam chỉ dừng ở cấp thấp mà không thể phát triển được.

Vì vậy, cần có quan điểm đánh giá lại năng lực, khả năng của PVC. Theo tôi, góc độ đánh giá về một doanh nghiệp dựa vào khả năng chứ không phải kinh nghiệm. Nếu không giao cho doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thì mãi mãi họ chỉ là phụ thầu cho doanh nghiệp nước ngoài khác", ông Đăng phân tích.

"Bản thân ông Thăng nhận thấy, cần phải xây dựng ngành xây dựng xây lắp lớn mạnh hơn, vì vậy ông  mới phải giao cho họ chủ động làm việc với lớn hơn để họ có cơ hội phát triển. Giao từ việc nhỏ đến việc lớn... Đó mới có thể đánh giá được PVC có đủ năng lực hay không", luật sư Đăng khẳng định thêm một lần nữa.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn