Năm 2010, Hà Nội lần đầu tiên lên vô địch V-League nhưng chỉ với 46 điểm sau 26 vòng đấu. Khi đó, quân bầu Hiển có 14 trận thắng, 4 trận hòa và 8 trận thua, ghi được 35 bàn và để thủng lưới 25 bàn. Hà Nội về nhất chỉ với 1 điểm hơn đội xếp thứ hai là Hải Phòng.
3 năm sau, đội bóng thủ đô lần thứ 2 đăng quang V-League với 38 điểm sau 20 vòng đấu. Trong đó có 11 trận thắng, 5 trận hòa và 4 trận thua, ghi được 46 bàn, để thủng lưới 24 bàn và chỉ hơn đội về nhì là SHB Đà Nẵng 3 điểm.
Cách đây 2 năm, Hà Nội lần thứ 3 vô địch V-League sau màn nước rút nghẹt thở. Quân bầu Hiển lên ngôi với 50 điểm sau 26 vòng đấu. Hà Nội mùa đó có 16 trận thắng, 2 trận hòa và 8 trận thua, ghi được 45 bàn, thủng lưới 28 bàn. Điều đáng nói là Hà Nội vô địch chỉ nhờ hơn Hải Phòng đúng 2 bàn thắng trong hiệu số bàn thắng bại khi cùng có 50 điểm như đội bóng đất cảng.
Ở lần thứ 3 Hà Nội vô địch, Trần Đình Trọng đang khoác áo Sài Gòn, Đoàn Văn Hậu 17 tuổi còn đang ở tuyến trẻ. Duy Mạnh lần đầu được đôn lên đội 1 chỉ chơi 387 phút sau 8 trận được ra sân với 3 lần đá chính, 5 lần vào sân từ ghế dự bị. Đức Huy cũng là tân binh, thi đấu 836 phút sau 17 trận ra sân, trong đó có 8 trận đá chính, 5 lần bị thay ra và 7 lần vào sân từ ghế dự bị.
Tương tự, Quang Hải cũng thi đấu mùa đầu tiên trong màu áo đội 1 Hà Nội nhưng gây ấn tượng mạnh. Anh thi đấu tổng cộng 1871 phút sau 25 trận ra sân, trong đó có 21 trận đá chính, 12 lần bị thay ra, 4 lần vào sân từ ghế dự bị, ghi được 3 bàn thắng.
Ở lần vô địch thứ 4 này, Hà Nội đã xô đổ kỷ lục của giải khi lên ngôi trước 5 vòng đấu. Kết thúc vòng 21, Hà Nội đã giành 54 điểm sau 17 trận thắng, 3 trận hòa và 1 trận thua, ghi được 61 bàn thắng, để thủng lưới 25 bàn. Quang Hải và các đồng đội chỉ cần 1 chiến thắng nữa sẽ phá kỷ lục vô địch nhiều điểm nhất của B.Bình Dương. Điều này hoàn toàn có thể.
Với những con số kể trên, có thể khẳng định, lứa cầu thủ vừa đưa Hà Nội lên ngôi lần thứ 4 là lứa cầu thủ mạnh nhất lịch sử CLB.
Quang Hải dù không thi đấu nhiều như hai mùa giải gần nhất (không phải vì lý do chuyên môn) song lại rất hiệu quả. Sau 21 vòng, cầu thủ quê Đông Annh thi đấu 1435 phút với 19 trận ra sân, trong đó có 15 lần đá chính, 4 lần bị thay ra và 4 lần vào sân từ ghế dự bị, nhưng ghi được 9 bàn thắng, và chỉ đứng sau Hoàng Vũ Samson (12 bàn) và Oseni (14 bàn).
Duy Mạnh trở thành chốt chặn không thể thay thế ở hàng thủ với 1750 phút thi đấu, trong đó có 20 trận đá chính và chỉ 2 lần rời sân vì chấn thương, ghi được 2 bàn thắng. Đình Trọng dù là tân binh và liên tục bị chấn thương hành hạ vẫn thi đấu 936 phút, trong đó có 11 trận đá chính và chỉ 1 lần phải rời sân giữa chừng.
Văn Hậu cũng phải nghỉ dài vì chấn thương đầu mùa nhưng đến vòng 21 cũng đã thi đấu 1318 phút sau 16 trận ra sân, với 14 trận đá chính, 1 lần bị thay ra và 2 lần vào sân từ ghế dự bị, ghi được 4 bàn thắng.
Đức Huy chơi xuất sắc ở giải U23 châu Á song về đội bóng thủ đô bị bạn chế hơn khi Đỗ Hùng Dũng và Moses thi đấu quá hay ở khu vực giữa sân. Vì thế, tiền vệ quê Hải Dương chỉ có 602 phút thi đấu tính đến vòng 21, sau 14 trận ra sân, 6 lần đá chính, 2 lần bị thay ra, 8 lần vào sân từ ghế dự bị.
>>> Đọc thêm: CLB Hà Nội vô địch sớm, bầu Hiển xúc động ôm cả đội mừng chiến thắng
Bình luận