• Zalo

Lựa chọn cây xăng Nhật là cú tát vào lòng trung thực của 'hàng nội'

Kinh tếThứ Năm, 12/10/2017 14:00:00 +07:00Google News

Cây xăng Nhật được độc giả VTC News đánh giá là "cứu cánh" cho niềm tin về sự trung thực, chu đáo và lòng biết ơn.

Dư luận đang “nóng” vì cây xăng Nhật Bản của đại gia Idemitsu Q8 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và phá vỡ thế độc quyền của hãng xăng dầu trong nước.

Một trong những hành động của ban lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản này là việc sếp lớn cây xăng cúp rạp người cảm ơn khách và nhân viên lau kính xe ô tô đang nhận được rất nhiều lời tán dương từ cộng đồng mạng.

20171006125854_IMG_3358

Lựa chọn cây xăng Nhật là cú tát vào lòng trung thực của hàng "nội". (Ảnh: Việt Vũ)

Dưới góc độ của người tiêu dùng, tôi xin khẳng định tôi không phải "fan cuồng" của Nhật hay là một kẻ sính ngoại mà chê hàng “nội”.

Với tâm thức của người Việt Nam, các sản phẩm của người Nhật luôn được đánh giá rất cao về độ bền, độ tỉ mỉ và thực hiện đúng tôn chỉ “khách hàng là thượng đế”. Song, không vì lý do đó mà tôi mù quáng lựa chọn các sản phẩm của người Nhật.

Bằng chứng là tôi dùng điện thoại iPhone của Mỹ, đi xe máy Liberty của Ý. Thế nhưng, tôi  lại rất có cảm tình với cây xăng Nhật. Sự kiện này đã được phân tích, mổ xẻ rất nhiều trong ngày hôm nay. Người thì khen tinh thần Nhật, người thì đưa ra "thuyết âm mưu" về một kế hoạch marketing bậc thầy.

Không chỉ tôi mà rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam khác đang phải đối mặt với sự gian lận của các cây xăng trong nước. Thậm chí, một người bạn đã từng làm ở một cây xăng lớn có tiếng ở Hà Nội còn khẳng định rằng, cây xăng nào mà chẳng ăn gian, chỉ là ăn gian ít hay nhiều mà thôi. Điều này tôi không biết đúng - sai thế nào.

Một trong những phương pháp ăn gian xăng phổ biến nhất là việc rút bớt xăng. Dù là cây xăng tư nhân hay cây xăng của các công ty lớn, người tiêu dùng vẫn chẳng hy vọng mình bỏ tiền mua 1 lít xăng sẽ nhận về đủ 1000 ml. Ai cũng ám ảnh trong đầu hình ảnh những cây xăng dùng mọi công nghệ để ăn trộm, ăn cắp xăng.

20171006125613_IMG_3349

Cây xăng Nhật được độc giả VTC News đánh giá là "cứu cánh" cho niềm tin về sự trung thực, chu đáo và lòng biết ơn. 

Rất nhiều cây xăng sử dụng chip hay các thủ thuật khác nhau để ăn cắp xăng và đã bị các cơ quan ban ngành, đội quản lý thị trường và báo chí phanh phui.

Chỉ khoảng vài năm trước, một cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) bị cả xã hội tẩy chay vì hành động ăn cắp xăng tới mức lộ liễu, bỏ tiền đổ 1 lít nhưng chỉ được thực nhận 800 ml, tức là họ ăn cắp tới 1/5 giá trị của mỗi lít xăng. Nếu một ngày, cây xăng này đổ tới hàng trăm lít xăng, đồng nghĩa hàng trăm người tiêu dùng bị các cây xăng móc túi một cách trắng trợn nhằm trục lợi cá nhân.

Ăn cắp xăng đã đành, nhưng có một hiện thực tệ hại hơn, các cây xăng có thể còn pha nước vào xăng nhằm làm giầu bất chính, đặc biệt là một số cây xăng ở vụng ngoại ô, ven đô hay các cây xăng nằm trên các tuyến đường quốc lộ.

Dùng xăng chất lượng kém thì máy móc sẽ nhanh hỏng hóc hơn bình thường. Thế nhưng, người tiêu dùng còn lựa chọn nào khác không khi mà họ tin rằng cây xăng nào cũng như vậy. Nghĩa là chúng ta bất lực với sự dối trá. Bất lực như cả xã hội bất lực trước thực phẩm bẩn. Chúng ta biết đồ ăn đó độc hại, nhưng nếu không ăn, có lẽ chúng ta sẽ chết đói trước khi chết vì ngộ độc.

Video: Lãnh đạo cây xăng Nhật chào khách bằng tiếng Việt

Ngoài ra, các cây xăng không bao giờ chịu thối lại tiền lẻ khi bình đầy. Ví dụ, khi tôi đổ 60.000 đồng, xong đến 59.000 đồng đã đầy. Đáng lẽ, các cây xăng phải trả lại 1.000 đồng cho khách, nhưng tuyệt nhiên, chả mấy khi tôi thấy các cây xăng trả lại.

1.000 đồng không phải là số tiền lớn, thậm chí, nó chẳng còn giá trị nhiều trên thị trường. Song, đây lại là tính trung thực của các cây xăng đối với khách.

20171006125634_IMG_3350 3

Một trong những hành động của ban lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản này là việc sếp lớn cây xăng cúp rạp người cảm ơn khách và nhân viên lau kính xe ô tô đang nhận được rất nhiều lời tán dương từ cộng động mạng. (Ảnh: Việt Vũ)

Còn sự chu đáo thì sao? Có lẽ do có tâm lý thích ăn "bún mắng, cháo chửi" nên chúng ta chấp nhận bị đối xử như người đi xin. Tình trạng này không phổ biến như tình trạng ăn cắp xăng, xăng kém chất lượng nhưng chắc chắn không ít lần, chúng ta rơi vào tình huống bị nhân viên cây xăng lườm nguýt. Bản thân tôi đã nhiều lần bị nhân viên bơm xăng tràn vào cốp, tràn xuống sàn xe. Thế mà họ chẳng buồn xin lỗi, chẳng buồn chủ động đưa cho tôi giẻ để lau.

Mới chỉ xuất hiện một vài ngày, một số cây xăng “nội” đã bắt đầu lo ngay ngáy và treo băng rôn, khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt”. Nếu không có doanh nghiệp Nhật đầu tư vào thị trường xăng lẻ thì các doanh nghiệp nội tiếp tục độc quyền và lộng quyền đến bao giờ.

Nếu sợ “mất bò” tại sao không “làm chuồng” từ đầu, tại sao khi các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp nội mới phân bua, khóc lóc?. Đây chẳng khác gì “lậy ông, tôi ở bụi này”.

Tôi phải nhắc lại, tình trạng này không quá phổ biến nhưng không phải hiếm gặp. Với nhân viên ở các cây xăng, dường như họ chỉ có việc nhiệm vụ bơm xăng vào bình cho khách. Còn bơm như thế nào thì phụ thuộc... cảm xúc. Không chu đáo, ân cần với khách thì bạn cũng đừng mong họ thể hiện lòng biết ơn với khách.

Nhưng người Nhật thì khác. Chính ông sếp đã cúi người cảm ơn khách. Phải cảm ơn chứ, vì khách hàng là người trả lương cho nhân viên, trả lương cho chính ông sếp này.

Thế nên, sẽ chẳng tiếc một lời khen cho doanh nghiệp của Nhật và các công ty Việt hãy làm được một phần như họ thay vì khóc lóc “tôi vô tội nên hãy chọn tôi đi”.

*Bài viết theo quan điểm cá nhân của độc giả Trịnh Vĩnh Bình (Hà Nội)

Vĩnh Bình
Bình luận
vtcnews.vn