Tin mới nhất về lũ lụt ở Thanh Hóa chúng tôi vừa nhận được: Tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), khoảng 3h50 sáng 12/10, do mưa lớn, nước sông Cầu Chày (một nhánh của sông Chu) dâng cao khiến đoạn đê qua thôn Quang Hoa bị vỡ. Đây là đoạn cống đang xây dựng, nước sông dâng cao, xoáy sâu vào mép cống, khiến đoạn đê bị vỡ 4-5m.
Để cứu đê, cứu người, ngăn nước lũ tràn vào làng, hàng trăm người gồm các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân và người dân đã được huy động cả đêm. Tính đến 11h sáng nay, đoạn đê này mới cơ bản được hàn gắn, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn vẫn rất cao.
Tại hiện trường, chiếc máy múc loại lớn đã được huy động thả xuống làm điểm tựa để đắp đất đá bảo hộ đê. Chiếc máy múc này có giá cả trăm triệu đồng.
Được biết, đoạn đê này không phải bị vỡ ở trên mặt mà bị vỡ ngầm lồng ở dưới mặt đê. Vì đoạn vỡ này to nên phải thả một chiếc xe múc xuống để lắp chỗ hổng đó, sau đó chèn, đắp đất đá gia cố đê.
Hiện tại ở Thọ Xuân, Thanh Hóa trời vẫn mưa, nước sông lên nhanh nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, vỡ đê có thể tiếp tục xảy ra.
Chia sẻ với VTC News, chị Nguyễn Quế, một người dân thôn Phong Cốc (Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết: "Tôi ở làng Phong Cốc, làng tôi nằm giữ sông Chu và sông Cầu Chày nên lúc nào cũng lo nơm nớp. Hôm trước (10/10) thì rạn đoạn đê ã Thọ Trường, hôm qua (11/10) tràn đê xã Thọ Thắng, hôm nay vỡ đê xã Xuân Minh. Chưa bao giờ tôi thấy lũ khủng khiếp như thế này".
Video: Ném cả máy múc hàng trăm triệu xuống hàn đê, cứu dân
Ông Đỗ Huy Chân (Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh) cho PV biết, chính quyền đã thông báo và yêu cầu người dân di chuyển tài sản, đồ đạc lên điểm cao, an toàn. Người dân cũng được chuẩn bị phương án tốt nhất để có thể di dời bất cứ lúc nào, nếu nguy cơ mất an toàn xảy ra.
Trao đổi với PV VTC News ngay tại hiện trường, ông Lê Đình Hải (Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân) cho biết: "Năm nay, lũ lên cao và quá nhanh. Trên sông Chu qua huyện Thọ Xuân, nước lên trên báo động 3, vượt đỉnh lũ mọi năm. Cả đêm qua, lãnh đạo huyện Thọ Xuân và toàn bộ lực lượng 4 tại chỗ ở địa phương đã được huy động túc trực liên tục để chống lũ hộ đê".
Ông Hải cũng cho biết thêm, trên toàn tuyến đê sông thuộc địa phận huyện Thọ Xuân còn rất nhiều điểm xung yếu, nguy cơ mất an toàn rất cao. Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động mọi nguồn lực để chống chọi với lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Video: Hàng trăm người nỗ lực cứu đê vỡ ở xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (Nguyễn Quyền)
Huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo tất cả các xã thuộc lưu vực các sông trên địa bàn triển khai phương án di dân lòng sông; tổ chức di dời tài sản, gia súc, gia cầm về nơi tránh trú an toàn. Cụ thể: Số hộ dân vùng ngập lụt có khả năng phải di dời: 5.835 hộ; số hộ đã tổ chức di dời: khoảng 4.390 hộ tập trung ở các xã Xuân Hòa, Xuân Thiên, Xuân Yên, Phú Yên, Thọ Diên, Thọ Hải, Thị trấn Lam Sơn, Thọ Trường, Xuân Khánh, Thọ Nguyên, Thị trấn Thọ Xuân, Hạnh Phúc, Xuân Trường, Tây Hồ, Xuân Tân. Địa điểm di dời đến chủ yếu: Trong nội bộ thôn, đến trường học, nội bộ xã, ở lại trên nhà tầng, lên đê và di dời đi xã khác…
Tại các thôn của xã Thọ Hải bị cô lập và bị ngập (650) hộ; làng Hợp Tiến, xã Xuân Vinh (90 hộ); các thôn xã Quảng Phú bị chia cắt, trong đó thôn 13 bị cô lập (100 hộ); thôn Đồng Cổ xã Xuân Thiên bị cô lập (110 hộ); Thôn Phong mỹ 1, Phong Mỹ 2 bị cô lập số 200hộ, Xuân Hòa 600 hộ; Xuân Yên 300 hộ.
Về huy động lực lượng, huyện Thọ Xuân đã tổ chức huy động 224 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 923 (109 người), Tiểu đoàn 9 (100 người), Phòng Cảnh sát PCCC số 5 (15 người) kịp thời bổ sung lực lượng sẵn sàng công tác phòng chống thiên tại các trọng điểm trên địa bàn huyện là các xã: Quảng Phú, Thọ Lập, Thọ Thắng, Thọ Trường và Xuân Sơn.
Tính đến 11h trưa 12/10, toàn huyện có 4.100 ha vụ Đông bị ngập; 272 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập...
Bình luận