Trận lũ lụt ở Dubai tuần trước đã chứng minh kỹ thuật xây dựng đô thị đang thất bại trong cuộc thử nghiệm lớn về biến đổi khí hậu. Trong thế giới đang chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng, cho dù đô thị có quy mô và hiện đại đến đâu, nó cũng đang thể hiện sự thua cuộc trước những trận lụt vô tiền khoáng hậu.
Thành phố giàu có của UAE và những đô thị tương tự khác vốn được xây dựng trên khu vực trước đây không thể ở được. Thành quả này trớ trêu thay lại phản ánh rằng ý tưởng phát triển đô thị của thế kỷ 20 đã dẫn tới việc "bóp nghẹt" các hệ thống hấp thụ nước tự nhiên.
Gia tăng dân số, kéo theo nhiều rác thải hơn, từ đó cần thêm các bãi chôn lấp và các phương pháp xử lý rác thải khác. Công thức này khiến quá trình thoát nước trở thành thách thức của các thành phố lớn trên toàn cầu như Dubai. Đặc biệt là khi chúng sẽ phải đối mặt với những trận mưa lớn và thường xuyên hơn.
Hôm 15-16/4 vừa qua, UAE hứng chịu lượng mưa hơn 250 mm ở một số nơi và gần một nửa số đó ở Dubai. Đó vốn là mức tương đương lượng mưa trung bình cả năm ở UAE. Mưa thường xuyên hơn trong những năm gần đây ở UAE dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn trong những năm tới, đặc biệt là khi lượng mưa hàng ngày sẽ càng tăng cao.
Tuần trước đã có những tuyên bố rằng các thí nghiệm gieo mưa mà UAE đang tiến hành đã góp phần tạo ra trận mưa lịch sử, nhưng thông tin này đã được chính quyền đất nước và nhiều chuyên gia bác bỏ.
Cần biết rằng Dubai được xây dựng trên cát, một môi trường tự nhiên khiến nước thấm vào đất rất dễ dàng. Nhưng bằng cách xây dựng một lượng lớn bê tông lên trên địa hình tự nhiên của thành phố, các nhà phát triển đô thị đã ngăn đất hút nước một cách hiệu quả. Lượng mưa tuần trước là lượng mưa lớn nhất được ghi nhận kể từ khi nước này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1949.
Kiến trúc sư Ana Arsky, CEO của công ty khởi nghiệp môi trường 4 Habitos Para Mudar o Mundo, một trong số các chuyên gia khí hậu được CNBC phỏng vấn về Dubai vào tuần trước, cho biết: “Thành phố từng có những nơi thoát nước tự nhiên đưa nước trực tiếp đến các tầng ngậm nước và sau đó vào nguồn nước dự trữ. Nhưng sau khi lát đường nhựa, chúng không còn tồn tại nữa".
Bùng nổ dân số gắn liền với xu hướng đô thị hóa toàn cầu làm tăng thêm rác thải và mặc dù rác không xuất hiện trên đường phố Dubai, chúng phải được đổ đi đâu đó - thường là ở những địa điểm không lý tưởng. Rác nhựa không hấp thụ nước và khi chúng được xả vào các bãi chôn lấp trên khắp thế giới, những đống phế liệu khổng lồ đó góp phần làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước tự nhiên.
Ngay cả những thành phố lâu đời với hệ thống thoát nước ổn định cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, như người dân New York đã chứng kiến vào mùa thu năm ngoái khi trường học, đường sá và nhà cửa bị ngập lụt, còn giao thông công cộng đình trệ sau khi lượng mưa trong một ngày đạt từ 125 mm đến 200 mm.
Tiago Marques, đồng sáng lập và CEO của Greenmetrics.AI cho biết: “Hệ thống thoát nước mưa không đáp ứng được xu hướng biến đổi khí hậu và lượng mưa cực kỳ tập trung hiện nay. Lượng nước thừa cuối cùng dẫn đến lũ lụt đô thị, ở ngay trong đường hầm, cao tốc hay những địa điểm thấp nhất trong các thành phố".
Marques nhận định người dân có xu hướng đổ lỗi cho các quan chức thành phố khi lũ lụt xảy ra vì đã không làm sạch hệ thống thoát nước đúng cách, nhưng ở Porto, Bồ Đào Nha đã xảy ra lũ lụt nghiêm trọng tại một số khu vực vào năm ngoái dù hệ thống thoát nước đã được làm sạch. Ông nói thêm: “Lượng nước dâng cao và bất thường đến mức về cơ bản nó cuốn trôi tất cả cành cây, thậm chí cả rác vào hệ thống thoát nước vốn sạch sẽ trước đó và làm tắc nghẽn chúng. Khi lượng nước này bắt đầu dồn ứ lên, chính quyền sẽ rất khó nắm tình hình ở mọi nơi cùng một lúc".
"Những hiện tượng từng xảy ra 100 năm một lần… bắt đầu xảy ra sau mỗi 10 năm. Thế rồi, lũ lụt xảy ra 10 năm một lần giờ đây lại bắt đầu xảy ra vài năm một lần. Thích ứng với biến đổi khí hậu yêu cầu chúng ta phát triển những công nghệ tiên tiến hơn" - vị CEO này nhấn mạnh.
Arsky kết luận, lũ lụt thường xuyên hơn ở những môi trường đông dân nhất thế giới là một lời nhắc nhở sâu sắc về thách thức toàn cầu: Không có nơi nào thoát khỏi bàn tay tác động của biến đổi khí hậu.
Bình luận