Theo cập nhập mới nhất của Tổng Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mưa lũ những ngày qua ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 15 người chết, 6 người mất tích và 20 người bị thương.
Cụ thể, Quảng Bình có 3 người chết, 1 người mất tích, 14 người bị thương; Quảng Trị: 2 người chết, 2 người bị thương; Bình Định: 2 người chết, 2 người bị thương; Phú Yên: 7 người chết, 1 người mất tích; Đắk Lắk: 1 người chết; Kon Tum: 1 người mất tích; Quảng Ngãi: 3 người mất tích, 1 người bị thương; Thừa Thiên - Huế: 1 người bị thương.
Mưa lũ cũng làm 225 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 249 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 42.812 ngôi nhà bị ngập. Hơn 6.700 ha lúa bị ngập; hơn 6.600 ha hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 6.300 con gia súc bị chết, cuốn trôi; hơn 44.200 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Ngoài ra, trận lũ lớn vừa qua khiến 3.910 đê cấp IV, 920m kè, 23 đập, cống và một số đoạn đê bao ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xói lở, hư hỏng. Nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã bị ngập, xói lở gây ách tắc, chia cắt giao thông.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra tính đến thời điểm ngày 7/11 là khoảng gần 600 tỷ đồng.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện số 36/CĐ – TW yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang, các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động tàu thuyền, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi hồ đập. Thông tin kịp thời việc xả lũ đến các cấp chính quyền và người dân ở hạ du, các cơ quan liên quan của Campuchia đối với các sông liên quốc gia.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
Video: Bờ biển cửa Đại (Quảng Nam) bị sóng biển đánh tan hoang
Bình luận