Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động gió Đông trên cao từ ngày 30/10 đến ngày 1/11 tại Quảng Bình và Quảng Trị có mưa to và rất to. Mưa lớn khiến nước tại một số con sông trên địa bàn hai tỉnh này dâng cao, tràn vào nhà dân và gây ngập lụt hàng ngàn ngôi nhà.
Tại Quảng Trị, mưa lũ đã gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng ở huyện Cam Lộ.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, tính đến 15h ngày 2/11 mưa lũ đã khiến một người chết. Nạn nhân là ông Hoàng Hữu Thành (trú thôn Vĩnh An, xã Cam Chiếu, huyện Cam Lộ) và một người bị thương là bà Hoàng Thị Thu (thôn Vĩnh Đại, xã Cam Chiếu), bị gẫy chân và đang điều trị tại bệnh viện Cam Lộ.
Mưa lũ cũng khiến 2.147 ngôi nhà trên địa bàn huyện Cam Lộ bị ngập lụt. Trong đó có 1.288 hộ ngập dưới 1 mét; 859 hộ ngập từ 1 – 3 mét.
Cùng với đó, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân huyện Cam Lộ: 10 con bò bị chết, cuốn trôi; 170 con lợn bị chết, cuốn trôi; 3.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 30 ha hồ nuôi cá bị ảnh hưởng; đường giao thông bị sạt lở, ngập trên 5km; 2000 hecta hoa màu bị ngập úng, hư hỏng và nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng.
Trước diễn biến của mưa lũ, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã huy động 8 ca nô phục vụ ứng cứu di dời dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, tỉnh đã huy động gần 500 cán bộ chiến sĩ và dân quân để sơ tán hơn 500 người dân là người già, trẻ em, người neo đơn... tại các vùng ngập lụt đến nơi an toàn.
Tối 1/11 ông Hồ Văn Ngọc – Bí thư Đảng ủy xã Húc Nghì,huyện Đakrông (Quảng Trị) xác nhận, do nước lũ trên sông Đakrông dâng cao và chảy siết đã cuốn trôi một phần chiếc cầu tràn nối Khu tái định cư Húc Nghì với trung tâm xã.
Theo đó, khoảng 11h ngày 1/11, khoảng 12m cầu tràn bắc qua sông Đakrông đã bị nước lũ cuốn trôi khiến hơn 100 hộ dân tại khu tái định cư Húc Nghì bị cô lập, học sinh trên địa bàn cũng không thể đến trường.
Được xây dựng năm 2010 với số vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng, Khu tái định cư Húc Nghì nằm trong Dự án di dân tái định cư khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét nhằm giúp đỡ người dân trong khu vực ổn định cuộc sống sau trận lũ quét lịch sử năm 2009.
Trong số các hạng mục thiết kế thì cầu tràn bắc qua sông Đakrông là một trong những công trình quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, lũ lớn những ngày qua đã khiến cây cầu này bị hư hại nặng.
Trước tình hình trên, ông Ngọc cho biết: “Nếu tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tiếp theo thì Khu tái định cư sẽ bị cô lập trong nhiều ngày, người dân sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tiếp tế lương thực, thực phẩm”.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 2/11 mưa tại Quảng Trị đã ngớt, nước tại một số con sông cũng đang xuống chậm. Tại huyện Cam Lộ nước lụt đã rút, những hộ dân tất tả dọn nhà.
Còn tại Quảng Bình, mưa lũ suốt hai ngày qua (từ đêm 30/10 – 2/11) cũng đã khiến 4 người chết và mất tích. Hai nạn nhân bị chết được xác định là ông Trần Minh Hoạch (SN 1963, trú quán tại thôn Phú Xuân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) và Dư Văn Thử (78 tuổi, trú thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch).
Hai người mất tích là anh Hà Thái Dương (SN 1993, trú tại xã thôn Tây Hoá, xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hóa) và em Dương Thị Kim Anh (Học sinh lớp 12, trú xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Em Anh mất tích vào buổi sáng 2/11 khi được bố chèo thuyền đi học, đến đoạn nước lũ chảy xiết.
Thuyền lật bố em bám được cành cây thoát chết còn em Kim Anh thì bị nước cuốn trôi, mất tích. Anh Hà Thái Dương bị nước cuốn trôi mất tích khi ra đứng trước cửa nhà vào ngày 1/11.
Hiện tại, mưa lũ đã làm ngập và cô lập hàng ngàn ngôi nhà ở nhiều địa phương trên địa bàn các huyện của tỉnh Quảng Bình như: thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa… Ngoài ra, nhiều hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng (xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn) bị sạt lở, hư hại nặng khoảng trên 100m.
Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân - xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn), thôn Công Hoà - xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) bị xói lở nghiệm trọng và gây ngập cục bộ tại các thôn này. Tại Quốc lộ 9B, tại Km 43+700 ngập 0.4m; Quốc lộ 15: tại Km553-Km556+200 và Km562+200 (Ngầm Bùng) ngập sâu từ 1-1,5m. Đường 559 đoạn Km14-Km18+400 bị ngập sâu 1m; Đường 559B tại Km31+350 (Nầm Tràn) nước ngập 0.6m.
Đặc biệt, tại xã Dân Hóa (Cha Lo) và ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (đường lên đồn làng Ho) của huyện Tuyên Hóa đang bị ngập nặng, phương tiện giao thông không thể qua lại được.
Tại huyện Minh Hóa, nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu khiến nhiều nơi bị chia cắt nghiêm trọng. Trong đó, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa cũng bị ngập sâu, các phương tiện không thể qua lại được.
Hiện tại Quảng Bình mưa đã ngớt và nước lũ đang xuống chậm. Tuy nhiên, tại một số địa phương của tỉnh này vẫn đang bị ngập.
Một số hình ảnh PV VTC News ghi nhận được tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị:
Video: Người dân Quảng Bình ca hát, nhảy múa trong đám cưới mùa nước lũ
Bình luận