Học trực tuyến lớp 1 đang là vấn đề đang được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm những ngày qua. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, nhiều địa phương phải tạm lùi thời gian khai giảng, lùi thời gian bắt đầu năm học nhưng cũng không ít địa phương quyết định triển khai dạy học online ngay khi năm học mới bắt đầu.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu việc học online không dành cho bậc tiểu học, nhất là với lớp 1, lớp 2 đầu cấp. Bởi độ tuổi này, để trẻ tham gia học online là điều không đơn giản khi nhìn từ nhiều phía. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi đôi điều về dạy học online với lớp 1.
Với giáo viên, dạy online lớp 1 gặp nhiều khó khăn, bất cập hơn trong việc chuẩn bị giáo án, tổ chức dạy học, kết nối học sinh, giám sát, kiểm tra, uốn nắn các cháu trong quá trình dạy học. Giáo viên không thể “cầm tay chỉ việc” cho từng học sinh, không thể bao quát hết lớp học, trong khi đây là những việc hết sức cần thiết và đặc biệt quan trọng với học sinh lớp 1.
Đồng thời, thay cho tâm trạng bỡ ngỡ, e ngại ban đầu khi thay đổi môi trường học tập với bạn mới, thầy cô mới, lớp mới lại là sự lúng túng đến bất lực trong việc làm quen với hình thức dạy học trực tuyến cũng như việc tiếp thu kiến thức qua mành ảnh nhỏ.
Tôi nhận thấy rằng, học sinh lớp 1 chưa hình thành được sự tự giác, tự chủ như như các anh chị lớp trên. Các cháu rất nhanh chán nên chỉ cần ngồi trước máy được 5 - 7 phút là sẽ có biểu hiện ngáp ngủ, dụi mắt, khóc nhè, ngủ gật... mất tập trung vào bài học. Trong khi đó thời khoá biểu lại dày đặc lịch học với 2 buổi/ngày, mỗi ngày 6, 7 tiết học.
Trong khi, trình độ Tiếng Việt, khả năng diễn đạt, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng phần mềm của các em học sinh lớp 1 còn rất hạn chế. Đây là những rào cản không dễ khắc phục trong ngày một, ngày hai của đối tượng này khi tham gia học trực tuyến.
Phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn khi con cái tham gia học trực tuyến. Bởi đa số họ không có nhiều thời gian ở nhà để kèm cặp, quản lý con học. Hay không ít gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, việc mua sắm máy tính, ipad hay điện thoại thông minh cho con học là không thể.
Qua trải nghiệm một tháng “học online cùng cháu” lớp 1, trên cương vị vừa là cựu giáo viên, vừa là ông nội, tôi nhận thấy một số bất cập cần sớm khắc phục để việc học online đạt hiệu quả.
Thứ nhất, học online với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 chỉ có thể đạt hiệu quả khi học sinh đầy đủ thiết bị học tập lý tưởng như máy vi tính, kết nối mạng với đường truyền Internet ổn định.
Thứ hai, chương trình dạy học không nên ôm đồm, dồn nén về thời gian. Với lớp 1, giáo viên chỉ nên dạy học trực tuyến 2 môn Tiếng Việt và Toán. Nội dung dạy học cần nhẹ nhàng. Các môn học khác sẽ học trực tiếp sau khi dịch được khống chế, học sinh đủ an toàn để trở lại trường. Mỗi ngày học online 1 buổi, mỗi buổi không quá 3 tiết học.
Giáo viên không nên cứng nhắc phải dạy theo giáo án, theo tiến độ môn học mỗi ngày đã lên kế hoạch, mà cần linh hoạt tổ chức các bài giảng. Có thể 3 tiết học online mới đạt được hiệu quả bằng một tiết học trực tiếp ở lớp nhưng đổi lại đó là chất lượng thật sự.
Thứ ba, vai trò của phụ huynh trong học online là hết sức quan trọng. Phụ huynh phải đóng một lúc mấy vai nào là trợ giảng, giám thị, bảo mẫu, kỹ thuật viên công nghệ. Trong quá trình vận hành máy móc thiết bị học, không thể tránh khỏi trục trặc, lỗi có thế xảy ra bất cứ lúc nào đối với phần cứng, phần mềm ứng dụng hay đường truyền Internet.
Thứ tư, chúng ta phải lường trước những ảnh hưởng không mong muốn của việc học online, đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là thị lực. Đối với các cháu sử dụng ipad, điện thoại thì càng phải lưu ý điều này. Cũng không loại trừ khả năng xấu xảy ra khi các cháu táy máy nghịch ngợm làm hỏng máy móc, gây chập điện.
Một điểm khó khăn khác cần quan tâm, khắc phục là không nên máy móc, cứng nhắc buộc các trường phải dạy học online ngay và đầy đủ tất cả các môn học theo kế hoạch khai giảng thường niên.
Rất nhiều nơi, ngay cả trường ở thành phố, giáo viên và nhà trường chưa thực sự chuẩn bị tốt cho dạy học online mà bất cập rõ nhất là về cơ sở vật chất và giáo án. Còn những giáo viên, học sinh và phụ huynh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì càng khó khăn hơn gấp bội. Trong khi đó, dịch COVID-19 đang căng thẳng. Bao lo âu vì dịch bệnh, vì đời sống khó khăn bủa vây tâm trí người dân. Bởi thế, một giáo viên từng tâm sự: “Là giáo viên, tôi không chắc liệu mình có thể đủ tinh thần ngồi trước máy tính để dạy online khi người thân còn đang vật lộn với dịch bệnh”.
Tôi nghĩ rằng chúng ta nên dạy online chậm lại, không nên áp lực về hiệu quả và tiến độ bài giảng cứng nhắc như học trực tiếp. Hoặc có thể học tập các địa phương Kiên Giang, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh chưa vội triển khai học trực tuyến với khối lớp 1, lớp 2 để đảm bảo chất lượng và an lòng phụ huynh.
Bình luận