"Người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn cả!”. Không có gì khó hiểu khi phát biểu này của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường bị nhiều người phản ứng.
Giá thịt lợn đang quá đắt do nguồn cung không đủ. Dân chia sẻ với các nhà quản lý về những khó khăn trong nỗ lực tăng lương cung ứng và hạ giá thịt lợn. Nhưng ở phía ngược lại, các nhà quản lý cũng cần thấu hiểu, chia sẻ cho cái khó của các bà nội trợ khi chuẩn bị bữa ăn gia đình. Nhưng phát biểu trên của Bộ trưởng chưa cho thấy sự thấu hiểu đó.
Chắc chắn rằng, khi giá thịt lợn trở nên đắt đỏ như mặt hàng xa xỉ, người đầu tiên nghĩ đến việc đổi món, chuyển sang ăn thứ khác không phải cán bộ, quan chức mà chính là các bà nội trợ. Không ai ngoài chính họ phải nghĩ ngay đến giải pháp làm sao để đảm bảo bữa cơm gia đình đủ ngon, đủ dinh dưỡng mà kinh phí không đội lên.
Thực tế từ nhiều tháng trước, chị em phụ nữ đã chia sẻ các thực đơn mới, gia tăng tỷ lệ cá, trứng, thịt gà, thịt bò, đậu phụ… Họ truyền nhau công thức nấu các món mới để đa dạng hóa cách chế biến những thực phẩm thay thế trên. Nhưng thời gian trôi qua, khi đã mệt mỏi với việc nghĩ cách đổi món, chồng con kêu ca “lợn đâu mà cứ cá với gà mãi”, họ vẫn phải quay về với thịt lợn, dù có thể mua ít hơn trước, đáng lẽ 5 lạng thì chỉ mua 3 lạng thôi.
Vì sao? Vì với người Việt Nam, thịt lợn là thực phẩm “vừa miệng” bậc nhất, cách chế biến cũng đa dạng nhất. Người ta có thể ăn thịt lợn 4-5 ngày liền với hàng chục món khác nhau, nhưng khó ăn thịt gà, thịt bò quá 2 ngày. Vì thế nếu cắt hẳn thịt lợn, bữa ăn sẽ nhanh chóng trở nên đơn điệu và khó nuốt. Có thể nói thịt lợn là thứ không dễ thay thế trong mâm cơm người Việt.
Dân không có lỗi khi cứ thích ăn thịt lợn. Lỗi là không đủ thịt lợn cho dân ăn, khiến họ phải mua với giá cắt cổ. Vì vậy, cơ quan chức năng hãy nghĩ cách giải quyết tận gốc vấn đề là tăng nguồn cung và bình ổn giá, chứ đừng trông chờ vào việc người dân thay đổi thói quen ăn uống, vì sẽ không thể lâu dài. Vận động dân đừng tập trung ăn thịt lợn nữa, rồi ít lâu sau khi nguồn cung dư thừa, tiêu thụ không hết lại vận động giải cứu, đó không phải là giải quyết vấn đề, chỉ là cách chia sẻ khó khăn mà thôi.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
Bình luận