• Zalo

Lời thỉnh cầu 'đừng đặt áp lực điểm số lên học sinh nữa' của nữ sinh khiến nhiều người giật mình

Giáo dụcThứ Hai, 05/11/2018 07:20:00 +07:00Google News

"Rất đông học sinh ở ngôi trường mà tôi đang học, họ là những học sinh ưu tú, có điểm số tốt, nhưng họ phải đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe để có được điểm số cao và nhận về mình cả những áp lực có thể coi là quá lớn ở độ tuổi 17, 18 như thế này".

Một học sinh THPT mới đây chia sẻ về việc cô và những người bạn cảm thấy áp lực như thế nào khi xã hội quá coi trọng điểm số của học sinh trên trang Medium.com.

"Tôi là một học sinh trung học, ở cái tuổi mà những chủ đề mọi người hỏi tôi đều xoay quanh việc sẽ học đại học ở đâu, điểm thi như thế nào, điểm trên lớp là bao nhiêu. Tôi cảm thấy mình kiệt sức để có thể cân bằng việc học tập quá bận rộn cũng như cố gắng làm sao để được điểm cao.

Là một học sinh, tôi cảm thấy bản thân mình và nhiều bạn bè khác thực sự bị áp lực quá lớn khi cả xã hội đề quan niệm "đại học là chía khóa của thành công" hay "người học giỏi mai sau sẽ thành công hơn những người còn lại".

Lời thỉnh cầu đừng đặt áp lực điểm số lên học sinh nữa của nữ sinh THPT khiến nhiều người giật mình - Ảnh 1.

 

Tôi cũng nhìn thấy rất rõ áp lực và sự căng thẳng từ những người bạn của mình. Rất đông học sinh ở ngôi trường mà tôi đang học chỉ ngủ 4 - 5 tiếng một đêm. Họ là những học sinh ưu tú, có điểm số tốt, nhưng họ đã phải đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe để có được điểm số đó, và nhận về mình cả những áp lực có thể coi là quá lớn ở độ tuổi 17, 18 như thế này.

Một số khác không có thành tích học tập tốt thì buộc phải giỏi một cái gì đó để bù lại như giỏi thể thao, âm nhạc. Tôi có rất nhiều người bạn trong lớp chỉ có thể trở về nhà sau 9h tối vì họ ở lại trường tập luyện thể thao nhưng không phải vì đam mê mà đơn giản vì họ bắt buộc phải giỏi một thứ gì đó chứ không thể vừa có điểm số kém, vừa không có thành tích ngoại khóa nổi bật được.

Em gái tôi đang học lớp 6 nhưng cô bé cũng không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm để học bài, làm bài tập về nhà, để không bị coi là kẻ "thất bại" ở trường học.

Điểm số dường như là những gì quan trọng nhất với một học sinh trung học như tôi. Khi bạn nộp đơn vào các trường đại học, điều đầu tiên họ xem xét là bảng điểm của bạn. Bảng điểm sẽ cho thấy bạn giỏi như thế nào, bạn đã học những môn gì và có sự tiến bộ về điểm số trong suốt quá trình học trung học hay không.

Lời thỉnh cầu đừng đặt áp lực điểm số lên học sinh nữa của nữ sinh THPT khiến nhiều người giật mình - Ảnh 2.

 

Nhiều phụ huynh trả tiền cho gia sư hoặc tự giúp con cái ôn tập để có điểm thi cao nhất có thể. Nhiều người tham gia vào một loạt các ngoại khóa để có một hồ sơ nổi bật hơn.

Cạnh tranh liên tục gia tăng và những học sinh như chúng tôi phải liên tục gồng mình lên để có điểm số cao, có thành tích thể thao nổi bật, có khả năng âm nhạc hay nhảy múa nào đó nữa,...

Tôi có những người bạn trong các CLB thể thao, nhìn thì có vẻ họ khá có năng khiếu và đam mê với bóng rổ, bóng chày nhưng thực tế họ đang cố gắng tham gia nhiều hoạt động nhất có thể chứ không thực sự "muốn".

Tại sao khi chúng tôi lẽ ra nên được ra ngoài chơi nhiều hơn, khám phá những điều mình thực sự thích thú thì lại phải cắm mặt vào bài tập cả ngày và bắt buộc bản thân làm những điều mà chính mình còn không thích thú.

Giảm áp lực về điểm số có nghĩa tôi và hàng triệu người bạn cùng lứa tuổi sẽ được thoát ra khỏi những lo lắng và căng thẳng quá mức như bây giờ. Hệ thống chấm điểm không có gì bất cập và nên được duy trì nhưng đừng biến nó là trung tâm của mọi trường học.

Tại sao các trường đại học không nhìn vào việc chúng tôi có cá tính gì hay có triển vọng trở thành một công dân tốt ra sao, sống có trách nhiệm hay không mà chỉ nhìn vào điểm số - những thứ được đổi bằng quá nhiều áp lực.

Lời thỉnh cầu đừng đặt áp lực điểm số lên học sinh nữa của nữ sinh THPT khiến nhiều người giật mình - Ảnh 3.

 

Thật may mắn khi gần đây bố mẹ tôi nhìn thấy những học sinh phải đối diện với quá nhiều khó khăn chỉ vì kỳ vọng của gia đình, quan niệm của mọi người xung quanh nên đã không đặt áp lực điểm số vào tôi quá nhiều nữa mà chỉ khuyên tôi cố gắng tận hưởng mọi thứ một cách trọn vẹn nhất, tôi không được A cũng không sao cả.

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cố gắng ở một mức nhất định, không phải vì sợ bố mẹ thất vọng mà vì tôi sợ bản thân sẽ thất vọng với chính mình. Và quan trọng hơn nữa, bởi vì xã hội này vẫn quá coi trọng điểm số nên tôi không thể hoàn toàn thoải mái mà rũ bỏ mọi áp lực học hành được.

Và tôi mong trong tương lai, tôi và những người bạn của mình sẽ không cần phải suốt ngày lo lắng chuyện điểm số và đại học, có thể thoải mái làm những gì mình thích, theo học ở một ngôi trường phù hợp với bản thân thay vì bằng mọi giá phải có điểm thi cao, phải vào trường top".

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn